Đề xuất rút ngắn kỳ họp Quốc hội, mở rộng chất vấn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố
Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), hiện nay ngoài Kỳ họp thường kỳ, Quốc hội còn tổ chức những kỳ họp bất thường. Đánh giá cao Quốc hội đã có những thay đổi linh hoạt trong việc tổ chức kỳ họp bất thường để theo sát với diễn biến xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, đại biểu đề xuất kỳ họp thường lệ kéo dài tối đa 2 tuần, bên cạnh đó có thể tổ chức các kỳ họp bất thường ngắn.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để Nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội; đồng thời đề nghị giao Tổng Thư ký Quốc hội quy định về việc khách đến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian Quốc hội đang họp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp Quốc hội.
Về tranh luận trong các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trí nhấn mạnh, đây là việc rất cần thiết, rất tiến bộ, những ý kiến có thể khác với ý kiến của mình, nhưng cũng mở ra các góc nhìn mới. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng “chen luận”. Đây là vấn đề về văn hóa nghị trường. Ông đề nghị cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi đại biểu trong một phiên họp.
Về vấn đề phát biểu tại hội trường, đại biểu cho rằng, dù phát biểu dựa trên văn bản hay không, vấn đề mấu chốt vẫn là phát biểu phải hay, phải tốt, mang tính xây dựng cao, trách nhiệm cao.
Về nội dung chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo đã chỉnh sửa quy định linh hoạt hơn theo hướng việc tranh luận không giới hạn, chỉ có đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận, nhưng để bảo đảm công bằng thì đại biểu nào đặt câu hỏi thì có quyền ưu tiên được tranh luận trước. Đồng thời, quy định thêm các đại biểu không được phép lạm dụng quyền tranh luận của mình để hỏi các vấn đề khác.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ sự khác nhau trong hoạt động tranh luận tại phiên thảo luận toàn thể với tranh luận tại phiên chất vấn; tiếp tục rà soát, sử dụng phù hợp các cụm từ như thảo luận, tranh luận, chất vấn lại trong dự thảo.
Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) thì đề nghị sửa đổi quy định theo hướng mở rộng đối tượng chất vấn.
Nhằm nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định, bà Xuân kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.
Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn như số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) quan tâm đến việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến, tại Điều 10 Dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng đây là nội dung quan trọng, thể hiện tính dân chủ khi xem xét, quyết định theo đa số.
“Thực tiễn những năm qua, nhiều nội dung cụ thể lấy ý kiến đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trước khi thông qua toàn văn dự thảo, thể hiện tính công khai, dân chủ”, ông Phước nói và đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy phương thức này ở các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Về vấn đề phát biểu trùng lặp nội dung, hoặc nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu đề nghị Nội quy Kỳ họp cần quy định cụ thể, chi tiết, khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, khi một vấn đề cụ thể có nhiều đại biểu phát biểu với nhiều quan điểm hoặc ý kiến, cần tiến hành xin ý kiến Quốc hội để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Nếu có ít nhất 20% tổng số đại biểu đồng ý thì tiến hành lấy phiếu xin ý kiến về vấn đề đó.
Đại biểu cũng cho rằng, khi đại biểu Quốc hội vắng mặt, quy trình đăng ký vắng mặt cần được thực hiện thông qua app Quốc hội, việc thông báo thông tin đến Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, việc cho ý kiến chấp thuận cũng nên được thực hiện thông qua app để đảm bảo tiết kiệm, nhanh chóng.