Đề xuất rút ngắn thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.đề xuất rút ngắn thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ còn 12 tháng, thay vì 18 tháng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Công thương đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông tư 37/2019/TT-BCT là văn bản quy phạm pháp luật giúp Cục Phòng vệ thương mại và Bộ Công thương có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc xử lý các hồ sơ đề nghị và việc quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách kịp thời, hợp lý, đúng quy định, bảo đảm hiệu quả của biện pháp trên thực tế.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực thi, một số vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Đối với phạm vi miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 37, Bộ Công thương xem xét việc miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM theo 6 trường hợp, trong đó có trường hợp: "Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước". Thế nhưng, thực tế trong thời gian qua đã xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp viện dẫn quy định này để nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ.
Vì vậy, cần loại bỏ quy định xem xét miễn trừ trong trường hợp hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước.
Thông tư 37 cũng đang quy định thành phần hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM thiếu cụ thể, tách bạch để cá nhân, tổ chức đề nghị miễn trừ có thể hiểu rõ nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin trong hồ sơ.
"Thực tế nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ cho thấy cá nhân tổ chức đề nghị thường nộp thiếu thành phần hồ sơ do hiểu không đúng về danh mục, thành phần hồ sơ", Bộ Công thương nêu.
Do đó, Thông tư sửa đổi bổ sung đề xuất quy định nhằm làm rõ và chi tiết các đầu mục hồ sơ cần cung cấp, là các tài liệu, hồ sơ bắt buộc, có sẵn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục miễn trừ, không làm mất thời gian, phiền hà cho doanh nghiệp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Về thủ tục kiểm tra sau miễn trừ và chế tài xử lý vi phạm, thực tiễn công tác kiểm tra sau miễn trừ thời gian qua cho thấy nhiều doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Thông tư 37, nhưng thủ tục kiểm tra sau miễn trừ và chế tài xử lý vi phạm theo Thông tư này chưa cụ thể và chưa đủ giáo dục và răn đe.
Cần bổ sung chế tài tương ứng với việc không tuân thủ/tuân thủ không đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, sẽ thiết kế các chế tài như: Thu hồi quyết định hưởng miễn trừ, không xem xét cho tiếp tục hưởng miễn trừ trong thời gian cụ thể hoặc cho đến khi biện pháp PVTM đang được áp dụng chấm dứt, yêu cầu cơ quan hải quan truy thu thế đối với một phần/toàn bộ hàng hóa đã được hưởng miễn trừ.
Về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM, hiện tại, Thông tư 37 đang quy định thời hạn miễn trừ của mỗi hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp PVTM là 18 tháng, Thông tư sửa đổi, bổ sung đề xuất phương án rút ngắn thời hạn này còn 12 tháng.
"Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp được hưởng miễn trừ trong việc hoàn thuế PVTM theo từng năm tài chính, đồng thời cơ quan quản lý và cơ quan hải quan cũng thuận tiện hơn trong việc kiểm soát và xử lý hổ sơ xuất nhập khẩu", Bộ Công thương lý giải.
Việc miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM có thời hạn 12 tháng, không giới hạn số lần đề nghị cấp miễn trừ bổ sung trong khi tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM không thay đổi.
Từ đó đặt ra yêu cầu làm rõ quy định về thời hạn miễn trừ, trong đó thống nhất khoảng thời gian tối đa cho một lần cấp miễn trừ căn cứ theo hồ sơ đề nghị miễn trừ của doanh nghiệp và không giới hạn số lần cấp miễn trừ bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả của biện pháp PVTM trên thực tế.
Bộ Công thương cho biết, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, kế thừa những quy định còn phù hợp, tiên tiến và áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả của Thông tư 37, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM.
Tạo lập khung khổ pháp lý toàn diện, hợp lý, khả thi nhằm đảm bảo cho công tác miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM đúng pháp luật, đạt hiệu quả, chất lượng, góp phần hữu hiệu vào công cuộc đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật PVTM trong bối cảnh thực tiễn.
Tính đến hết năm 2022, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc PVTM. Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất và nhựa (sorbitol, sợi fiament, màng BOPP), vật liệu xây dựng (ván gỗ MDF, kính nổi), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS).
Trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), sorbitol (liên quan tới cây sắn).