Đề xuất số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công chứng viên là 400 triệu đồng

Bộ Tư pháp đề xuất về số tiền bảo hiểm tối thiểu khi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên và thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 5 năm.

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2025).

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất nhiều nội dung để quy định chi tiết một số vấn đề như: Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại Công chứng viên (CCV); thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của VPCC; tổ chức lại VPCC theo loại hình công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV...

Mua bảo hiểm nghề nghiệp tối thiểu 5 năm

Đáng chú ý, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung thêm quy định số tiền bảo hiểm tối thiểu khi CCV hoặc tổ chức hành nghề công chứng mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Theo đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu phải được xác định rõ trong hợp đồng bảo hiểm và không được thấp hơn 400 triệu đồng đối với giao dịch có giá trị giao dịch hoặc có giá trị tài sản và theo thỏa thuận đối với giao dịch không xác định giá trị giao dịch hoặc giá trị tài sản.

 Công chứng viên mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được bảo hiểm tối thiểu là 400 triệu đồng. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Công chứng viên mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được bảo hiểm tối thiểu là 400 triệu đồng. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Về mức phí mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức hành nghề công chứng của CCV thỏa thuận mức phí bảo hiểm, nhưng không được thấp hơn ba triệu đồng một năm cho một CCV.

Thời hạn bảo hiểm tối thiểu là năm năm kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, bao gồm cả trường hợp CCV không còn hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm gồm: (1) văn bản yêu cầu bồi thường; (2) tài liệu liên quan đến đối tượng được bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm); (3) tài liệu chứng minh thiệt hại: Văn bản yêu cầu bồi thường của bên thứ ba bị thiệt hại; hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc bồi thường thiệt hại; biên bản giám định thiệt hại hoặc biên bản xác nhận về thiệt hại...

Dự kiến 280 huyện được thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân

Ngoài hình thức hợp danh như hiện nay, Luật Công chứng 2024 đã quy định một hình thức VPCC mới theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Theo tờ trình dự thảo Nghị định hướng dẫn quy định này, cơ quan soạn thảo cho biết có khoảng khoảng 280 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đối tượng được thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Con số trên dựa vào các tiêu chí như: (1) Mật độ dân số thấp khoảng từ 200 người/km2 trở xuống; (2) Có cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển; (3) Khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh vì số lượng giao dịch dân sự ít, quy mô và giá trị giao dịch nhỏ...

Về vấn đề chuyển đổi mô hình tổ chức thì VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành VPCC loại hình công ty hợp danh. Nhưng VPCC theo loại hình công ty hợp danh không được chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Hồ sơ đề nghị chuyển đổi VPCC được nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến Sở Tư pháp nơi VPCC đăng ký hoạt động.

Thành lập VPCC ở địa bàn khó khăn được ưu đãi

Ngoài chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, VPCC thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có thể được thuê trụ sở với giá ưu đãi, được cho mượn trụ sở, hỗ trợ về trang thiết bị, phương tiện làm việc trong ba năm đầu hoạt động.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-so-tien-bao-hiem-toi-thieu-doi-voi-cong-chung-vien-la-400-trieu-dong-post834786.html