Đề xuất sửa điều kiện cấp giấy phép lái tàu, giảm bớt chức danh nhân viên đường sắt

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) có một số quy định mới về điều kiện cấp giấy phép lái tàu; thu gọn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương

Theo dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ, luật gồm 8 chương, 80 điều luật (giảm 2 chương và 7 điều so với luật hiện hành). Trong đó, có 2 điều luật (Điều 41, 42) quy định về nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Điểm mới của quy định là: Sửa đổi, bổ sung chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu cho phù hợp với hoạt động điều hành, tổ chức chạy tàu và khai thác vận tải đường sắt hiện nay; đồng thời, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh thực hiện quy định chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đối với đường sắt đô thị.

Cụ thể, dự thảo quy định ngắn ngọn: "Chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm: lái tàu và các chức danh nhân viên khác phù hợp với từng loại hình đường sắt", thay vì quy định danh sách nhiều chức danh (Trưởng tàu, lái tàu, nhân viên điều độ, nhân viên gác ghi, nhân viên gác đường...) như hiện nay. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu được quy định tại khoản trên.

Theo Ban soạn thảo, lý do sửa đổi, bổ sung bởi đường sắt hiện nay đã ứng dụng nhiều khoa học công nghệ tiên tiến như: hệ thống điều khiển tập trung (không cần quay ghi thủ công), hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống giám sát hành trình tuần đường, hệ thống cảnh báo sớm các chướng ngại vật tại các đường ngang đến lái tàu… Do đó, một số chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có thể không cần thiết như: chức danh nhân viên dồn tàu, lập tàu, gác ghi, gác đường ngang.

Mặt khác, thực tế hoạt động GTVT đường sắt được điều hành thống nhất, tập trung (khoản 3 Điều 4 Luật Đường sắt 2017) nên chỉ có chức danh Lái tàu và Điều độ chạy tàu là chung cho tất cả các loại hình đường sắt. Ngoài ra, tùy theo công nghệ các loại hình đường sắt như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc... sẽ có các chức danh nhân viên khác nhau theo yêu cầu của công nghệ và sẽ giao cho cơ quan quản lý (Bộ GTVT, UBND tỉnh) quy định chi tiết theo thẩm quyền.

Dự thảo cũng bổ sung thuật ngữ "người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường sắt, gồm: người điều khiển đầu máy, điều khiển toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng) và gọi chung là "người lái tàu". Người lái tàu phải có giấy phép lái tàu được cơ quan có thẩm quyền cấp (Bộ GTVT quy định về cấp giấy phép lái tàu đường sắt quốc gia, UBND cấp tỉnh quy định việc cấp giấy phép lái tàu đường sắt địa phương).

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) không còn quy định về độ tuổi để được cấp giấy phép lái tàu như Luật hiện hành

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) không còn quy định về độ tuổi để được cấp giấy phép lái tàu như Luật hiện hành

Đáng chú ý, về điều kiện cấp giấy phép lái tàu, luật hiện hành quy định: "Người được cấp giấy phép lái tàu có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ". Còn dự thảo luật không còn quy định về độ tuổi mà sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động (với các điều kiện: đủ tiêu chuẩn sức khỏe; bằng cấp, chứng chỉ đào tạo; đạt yêu cầu sát hạch; có thời gian hoàn thành thực tập lái tàu).

Theo Ban soạn thảo, quy định về độ tuổi tối thiểu, tối đa để được cấp giấy phép lái tàu còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt 2017. Về độ tuổi tối thiểu, quy định này chỉ có thể phù hợp với việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng đối với chức danh lái tàu trên tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng hiện hữu.

Đối với loại hình đường sắt đô thị thì quy định này chưa phù hợp với thực tế đào tạo, tuyển dụng và sử dụng chức danh này. Bởi thời gian qua, một số tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam mới lần đầu tiên đưa vào khai thác đều có chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ lái tàu cho các học viên. Theo đó, để học lái tàu trên đường sắt đô thị, học viên lái tàu sau khi tốt nghiệp trung học là 19 tuổi, thời gian học lái tàu trung bình từ 1 đến 1,5 năm; thời gian vận hành khai thác thử trung bình 3 - 6 tháng. Nếu áp dụng độ tuổi tối thiểu như quy định của Luật Đường sắt 2017 sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị trong việc đào tạo, tuyển dụng chức danh lái tàu trên đường sắt đô thị.

Về độ tuổi tối đa, khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động như sau: "tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi bắt đầu từ năm 2028 và đối với nữ là 60 tuổi bắt đầu từ năm 2025"; khoản 3 Điều 169 quy định: "Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Vì vậy, có sự chênh lệch giữa độ tuổi tối đa được cấp Giấy phép lái tàu và độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Điều này dẫn đến vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc sử dụng, bố trí việc làm cho các chức danh lái tàu. Nhiều trường hợp, lái tàu đã hết độ tuổi được cấp Giấy phép lái tàu nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu trong khi các điều kiện về sức khỏe, nghiệp vụ vẫn đảm bảo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lái tàu.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, nếu tính từ năm 2024 đến năm 2028 (năm bắt đầu tuổi nghỉ hưu của năm là 62 tuổi) có 214 trường hợp lao động lái tàu sẽ hết độ tuổi lái tàu theo quy định mới. Doanh nghiệp sẽ phải bỏ thêm chi phí để đào tạo chuyển nghề cho các lao động này nếu còn nhu cầu sử dụng lại các lao động này hoặc sẽ thực phải thực hiện chấm dứt hợp động lao động và trả trợ cấp thôi việc nếu không bố trí được các lao động này vào các công việc khác.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/de-xuat-sua-dieu-kien-cap-giay-phep-lai-tau-giam-bot-chuc-danh-nhan-vien-duong-sat-183240829155134122.htm