Đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách trong Luật Đường sắt mới
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đường sắt mới, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển và tình hình thực tế.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký gửi Chính phủ Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi). Nội dung văn bản trên cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Đường sắt 2017 đã đạt được một số kết quả cụ thể nhưng cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017.
Các bất cập, hạn chế bộc lộ trong các nhóm cơ chế, chính sách đối với đường sắt, cụ thể: về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng; hoạt động vận tải (niên hạn phương tiện; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; ga đường sắt); kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt; đường sắt đô thị; đường sắt tốc độ cao.
Nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi Luật Đường sắt 2017 theo hướng kết cấu, bố cục lại các chương, mục; xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) thay thế cho Luật Đường sắt 2017. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách.
Ưu đãi mức cao nhất cho doanh nghiệp, dành quỹ đất xung quanh ga đường sắt
Thứ nhất, về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt: bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực đường sắt theo hướng giữ nguyên các ưu đãi, hỗ trợ trong Luật Đường sắt 2017 và bổ sung một số ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho hoạt động đường sắt đảm bảo không xung đột, chồng lấn với các Luật về thuế.
Cụ thể: Cho phép doanh nghiệp kinh doanh đường sắt được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Được miễn thuế nhập khẩu, áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị đường sắt và vật tư cần thiết cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.
Bổ sung quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được bổ sung vốn điều lệ khi đầu tư hoặc tiếp nhận tài sản dự án nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền công nghệ đường sắt mới theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ hai, về chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt: Sửa đổi quy định cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư đường sắt (đầu tư mới toàn bộ từ kết cấu hạ tầng đến phương tiện giao thông đường sắt) theo hình thức đối tác công tư không quá 80% tổng mức đầu tư. Bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực xung quanh ga đường sắt để phát triển đô thị, các khu dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn.
Được sử dụng ngân sách của địa phương lập dự án đầu tư công độc lập (với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực đất quanh ga làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cho phép sử dụng nguồn thu từ việc khai thác phát triển quỹ đất xung quanh ga được ưu tiên một phần để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Bổ sung quy định đối với các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cho phép trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở.
Bổ sung quy định quyền, trách nhiệm chính quyền địa phương cấp tỉnh được thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt vùng, đường sắt đô thị đi qua địa bàn từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sau khi được Chính phủ chấp thuận.
Sửa đổi, bổ sung quy định dự án đầu tư đường sắt đô thị, sau khi chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị để tăng tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án; cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị và Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.
Giao doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng, không quy định niên hạn phương tiện đường sắt
Thứ ba, chính sách về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt: Sửa đổi quy định về đất đường sắt bảo đảm thống nhất với nội dung Luật Đất đai (sửa đổi). Bổ sung quy định về cơ chế để bố trí kinh phí tổ chức thực hiện xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt; thực hiện cắm mốc, khôi phục mốc giới đất dành cho đường sắt... làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đường sắt. Bổ sung quy định đối với các dự án đường sắt xây dựng mới phải xây dựng hàng rào bảo vệ.
Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho phù hợp với thực tiễn: phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (quốc gia/đô thị) theo nguồn gốc hình thành tài sản và công năng, mục đích sử dụng; bổ sung quy định cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Quy định về giao một số hạng mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (khu ga, bãi hàng...) cho doanh nghiệp được giao quản lý tài sản theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước; bổ sung đường bộ kết nối vào ga đường sắt chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Sửa đổi quy định rõ đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đối với các tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng mới và đối với đường sắt hiện hữu
Thứ tư, về chính sách hoạt động vận tải đường sắt: Bổ sung quy định về phân quyền cho UBND cấp tỉnh thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; cấp Giấy phép lái tàu cho đường sắt đô thị. Sửa đổi quy định về độ tuổi tối đa và độ tuổi tối thiểu được cấp Giấy phép lái tàu đường sắt; quy định các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu cho phù hợp với thực tiễn và phương án tổ chức khai thác của từng loại hình đường sắt; quy định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ.
Sửa đổi phương thức quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường sắt từ hình thức quy định về niên hạn sang phương thức kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng loại phương tiện; bổ sung quy định chi tiết phương pháp kiểm tra, đối tượng kiểm tra; đồng thời quy định nhà khai thác chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn của phương tiện trong quá trình khai thác.
Bổ sung quy định khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; trách nhiệm của các cơ quan trong việc đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện khả thi. Bổ sung quy định tiêu chí phân loại ga liên vận quốc tế, thẩm quyền công bố đóng, mở ga liên vận quốc tế.
Sân bay, cảng biển công suất từ 30 triệu khách/năm phải có kết nối đường sắt
Thứ năm, chính sách về kết nối các phương thức vận tải: Bổ sung quy định cảng hàng không quốc tế có công suất từ 30 triệu hành khách/năm trở lên, cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I phải có kết nối đường sắt (đối với các tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn); khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối đường sắt với cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu đầu mối hàng hóa lớn. Khi thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án phải dành quỹ đất để thực hiện việc kết nối đường sắt; các tổ chức, cá nhân đầu tư đường sắt kết nối được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt (miễn tiền thuê đất đối với phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt kết nối).
Bổ sung quy định đô thị loại I trở lên nếu có đường sắt quốc gia đi qua, ga hành khách phải đặt ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho hành khách đi lại, tránh phải trung chuyển. Trường hợp ga đầu mối (đối với ga hành khách) của tuyến đường sắt quốc gia nằm ngoài trung tâm đô thị thì tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga trung tâm đến ga đầu mối phải đáp ứng cho tàu khách quốc gia chạy cùng trên hạ tầng đường sắt đô thị; ga trung tâm đô thị phải bố trí khu vực đón tiễn cho tàu khách quốc gia. Bổ sung quy định ga trung tâm và ga đầu mối (ga hành khách) quốc gia phải kết nối với các phương thức vận tải hành khách đô thị để gom, giải tỏa hành khách.
Sửa đổi các quy định về đầu tư các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ theo hướng: Đối với tuyến đường sắt xây dựng mới (trừ loại hình xe điện chạy trên mặt đất): phải giao cắt khác mức với đường bộ; phải xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào ngăn cách ngoài phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Đối với tuyến đường sắt hiện tại: bổ sung trường hợp được phép xây dựng các nút giao cùng mức, xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt
Thứ sáu, chính sách về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt: Bổ sung quy định sản phẩm công nghiệp đường sắt có tính đặc thù như: thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, vật tư đặc chủng (ray, ghi, phụ kiện) là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; quy định về cơ chế, tiêu chí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm (các tiêu chí của doanh nghiệp về kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo, vốn, thị phần...); quy định ràng buộc chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được đối với dự án đầu tư đường sắt.
Bổ sung quy định trong hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường sắt có sử dụng công nghệ mới phải có nội dung về đào tạo vận hành, bảo trì, chuyển giao công nghệ. Bổ sung quy định chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm này được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Ngày 6/12/2023, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi). Bộ GTVT đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chỉnh lý hồ sơ đề nghị xây dựng luật.
Về thời gian dự kiến trình dự thảo luật, Bộ GTVT dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025); trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025). Thời gian Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2026.