Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước

Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hoặc lắp ráp ô tô trong nước đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm, đã có 74.800 chiếc (tăng 106,5% so với cùng kỳ năm 2024) xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được bổ sung cho thị trường. Trong khi đó,ô tô nhập khẩu đạt 24.374 chiếc (tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2024).

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, sức ép từ xe ô tô nhập khẩu lên xe ô tô lắp ráp trong nước là khá lớn khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo đó, kể từ đầu năm nay, mức thuế nhập khẩu xe ô tô từ 39 đến 42,5% được giảm xuống 31,2-35,4% theo EVFTA. Còn theo CPTPP, mức thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng được giảm từ 42% xuống 35% kể từ ngày đầu năm 2025. Có thể thấy rằng, năm 2025, xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế trên sân nhà.

Thời hạn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được lùi đến ngày 20/11.

Thời hạn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được lùi đến ngày 20/11.

Nhìn lại năm 2024, xe ô tô lắp ráp trong nước liên tục bị xe nhập khẩu áp đảo, đặc biệt trong khoảng thời gian có thông tin giảm thuế trước bạ từ tháng 4/2024.

Cụ thể, năm qua ô tô nhập khẩu tràn về Việt Nam với doanh số lên đến 173.561 xe, tổng kim ngạch đạt 3,62 tỷ USD, tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về kim ngạch so với năm 2023.

Trong khi, tổng cộng cả năm 2024, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 388.500 chiếc, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể thấy rằng, xe lắp ráp trong nước trong năm 2025 sẽ phải rất nỗ lực nếu muốn giành lại vị thế trên sân nhà. Đặc biệt khi ô tô lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi trước bạ thì trong làn sóng xe nhập khẩu, các hãng xe nhập khẩu cũng không kém cạnh khi liên tục tung ra các chương trình khuyến mại tương đương với mức giảm lệ phí trước bạ của xe lắp ráp trong nước để kéo khách hàng.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp ô tô lắp ráp trong nước cần có sự hỗ trợ từ chính sách để đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Theo Bộ Tài chính, dự báo năm 2025, thị trường ô tô nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực toàn cầu.

Với những khó khăn, thách thức được dự báo, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hoặc lắp ráp ô tô trong nước đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết.

Theo Nghị định 81 được Chính phủ ban hành mới đây, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Doanh nghiệp phải nộp số thuế này chậm nhất ngày 20/11.

Số thuế được gia hạn gồm khoản phải nộp thêm do khai bổ sung, trong trường hợp người nộp kê khai, làm phát sinh trong kỳ tính thuế. Trường hợp người nộp thuộc đối tượng được gia hạn kê khai, họ chưa phải nộp thuế phát sinh.

Các chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng thuộc diện được gia hạn nộp loại thuế này và kê khai với cơ quan thuế. Chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ không được gia hạn.

Lần thứ 7, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Năm ngoái, chính sách này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với Nghị định 64 năm ngoái, lũy kế đến ngày 17/2 vừa qua, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn theo tờ khai là 13.173 tỷ đồng.

Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị định 81, dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước được gia hạn trong 5 kỳ tính thuế là khoảng 14.100 tỷ đồng. Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11 nên không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm nay.

Giới chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ phù hợp, kịp thời là rất cần thiết để các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất linh kiện, bảo hành, bảo dưỡng… và đặc biệt là hạ tầng phát triển ô tô điện trong nước có thêm cơ hội phát triển, xây dựng nền tảng vững chắc, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chỉ có như vậy thì xe lắp ráp trong nước về lâu dài mới có đủ khả năng nâng tỉ trọng, đủ sức cạnh tranh với làn sóng xe nhập khẩu đang tăng trưởng nóng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/gia-han-thue-tieu-thu-dac-biet-ho-tro-doanh-nghiep-san-xuat-lap-rap-o-to-trong-nuoc-1105953.html