Đề xuất sửa đổi quy định về kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có các nội dung liên quan đến nhiệm vụ chi BVMT của ngân sách trung ương.
Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT thực hiện các nhiệm vụ BVMT (bao gồm các dự án, đề án, chương trình BVMT nếu có) do ngân sách nhà nước bảo đảm. Các nhiệm vụ chi về BVMT thuộc các nguồn kinh phí khác (như chi từ nguồn sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư phát triển và các nguồn vốn khác) không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư này.
Theo Bộ Tài chính, Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Như vậy, các căn cứ làm cơ sở ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT đã được thay thế bằng các văn bản pháp quy mới ban hành.
Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định về nhiệm vụ chi sự nghiệp BVMT của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong hoạt động BVMT nước mặt, chất lượng môi trường không khí, BVMT đất. Các nội dung, quy định tại các văn bản nêu trên có nội dung thay đổi so với nội dung quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC. Do vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 4 Thông tư số 02/2017/TT-BTC về nhiệm vụ chi BVMT của ngân sách trung ương.
Cụ thể gồm: Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải (Điều tra, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường quy mô liên tỉnh, liên vùng; lập danh mục chất thải; xây dựng tiêu chí về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải thuộc trách nhiệm của trung ương); Xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường (Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác thuộc trách nhiệm xử lý của trung ương; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ liên tỉnh…).
Các nhiệm vụ chi BVMT khác của ngân sách trung ương gồm: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT; trang thiết bị để BVMT; quan trắc môi trường; Kiểm tra, thanh tra, giám sát về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc trách nhiệm của trung ương và theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; BVMT di sản thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; Truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT; Hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về BVMT…
Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 4 Thông tư số 02/2017/TT-BTC về nhiệm vụ chi BVMT của ngân sách địa phương; Sửa đổi, bổ sung tên và nội dung Điều 6 quy định về điều kiện hỗ trợ đối với các dự án xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường…
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý của Nhân dân.