'Đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thành hai Cục là chưa hợp lý'
Theo ông Ngô Thành Can, Đảng đã có chủ trương cho việc thống nhất lại các đơn vị để tránh chồng chéo, giảm đầu mối, vì vậy, việc Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ có đề xuất tách thành 2 Cục là chưa hợp lý.
Theo tờ trình dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải có nội dung được dư luận quan tâm là đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách ra làm hai đơn vị quản lý như vậy sẽ dẫn tới trùng lắp, chồng chéo và đặc biệt là đi ngược lại chủ trương tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước đang được triển khai thực hiện.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính quốc gia) về vấn đề này.
PV: Bộ Giao thông vận tải đưa ra lý do phải chia tách như vậy, bởi vì Tổng cục Đường bộ hiện chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Ngô Thành Can: Trước hết phải xem xét những quy định của pháp luật về việc thành lập Tổng cục với những tiêu chí cơ bản, ví dụ như có đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực lớn; chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
Ở đây cho thấy điều kiện chính, cơ bản cũng chưa đủ. Do đó, chúng ta phải áp dụng tinh thần của Nghị quyết 18 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017) để xem xét về vấn đề tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nếu thực thi tốt việc này sẽ tiết kiệm được nguồn lực (gồm nguồn nhân lực, vật lực và tài chính).
Việc thành lập một tổ chức, một cơ quan là yêu cầu thực tiễn của một giai đoạn nhất định và cũng là yêu cầu của một lý luận, lý thuyết về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, do yêu cầu của thực tiễn hiện nay, đã đến lúc phải thực hiện nội dung về tinh gọn bộ máy.
PV: Nghị quyết 18 về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn có nêu: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Vậy, việc đề xuất chia tách Tổng cục Đường bộ thành 2 Cục như đề xuất Bộ Giao thông vận tải có đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước hay không, thưa ông?
Ông Ngô Thành Can: Thực hiện Nghị quyết 18 là thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ trương của việc thống nhất lại, giảm đầu mối là chủ trương chung. Tuy nhiên, vừa rồi, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ có đề xuất tách thành 2 Cục là chưa hợp lý.
Chưa hợp lý ở chỗ, nó chưa đáp ứng được tinh thần tinh gọn, hơn nữa 2 đơn vị này thực hiện chức năng chung, thực ra đường cao tốc chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, là dạng đường kỹ thuật cao hơn loại đường thông thường. Nếu giữ lại Tổng cục thì lại chưa đáp ứng được các tiêu chí theo bộ chuyên ngành quản lý. Lần này Bộ Nội vụ, Bộ GTVT cũng thấy chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung. Do đó, những người làm công tác tổ chức bộ máy cần phải lưu tâm giải quyết vấn đề này để làm sao giữ được sự ổn định công việc và đặc biệt là tạo ra tâm lý ổn định, tự tin cho anh em.
Còn việc tách ra không còn Tổng cục nữa thì chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, ví dụ như ở Bộ Công an, năm 2018, Bộ đã bỏ 6 Tổng cục, ngoài ra, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và nhiều bộ khác cũng đã giảm các đầu mối, hiệu quả, hiệu lực vẫn được đảm bảo, mọi công việc đều được tiến hành tốt, dần dần đi vào ổn định và có kết quả cao.
PV: Theo ông, việc sắp xếp tinh gọn như vậy có tác động như thế nào đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước?
Ông Ngô Thành Can: Khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đầu tiên là phải tinh gọn bộ máy theo chủ trương chính, một cơ quan thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ; một chức năng, nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan để tránh chồng chéo, chồng lấn và không có chức năng nào là không được thực hiện. Việc này hướng đến sự tinh gọn để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Do đó, những cơ quan được tinh gọn, sắp xếp lại đều thống nhất được đầu mối, thống nhất được việc quản lý Nhà nước, quản lý thông suốt trong các đơn vị, không bị gián đoạn, không bị quá nhiều trung gian.
Bên cạnh đó là tiết kiệm chi phí về bộ máy và con người. Ví dụ, năm 2018, khi Bộ Công an sắp xếp lại, theo các nhà chuyên môn, việc sắp xếp lại đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo sơ kết đánh giá sơ bộ, trong gần 2 năm (2018-2019) thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy tinh gọn của Nghị quyết 18 đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 11.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy có hiệu quả nhất định, đặc biệt là việc tinh gọn biên chế.
PV: Tinh gọn bộ máy là điều cần thiết nhưng cũng cần tính toán cẩn trọng và đảm bảo không gây khó, gây bất lợi trong việc giải quyết công việc cho người dân. Theo ông, thực tế việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong thời gian qua đã thực sự đảm bảo được yêu cầu này chưa?
Ông Ngô Thành Can: Đây là một vấn đề đáng quan tâm cho bất kỳ một nhà cải cách nào, nhất là người làm cải cách liên quan đến tổ chức bộ máy. Bởi vì tổ chức bộ máy là liên quan đến con người, liên quan đến công việc của cán bộ, công chức, viên chức, gia đình của họ và những người liên quan.
Khi thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy thì việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ rất tốt; đảm bảo sự ổn định hệ thống công việc theo vị trí việc làm; tiết kiệm ngân sách; tạo niềm tin cho nhân dân vào hệ thống cũng như niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vào chủ trương lớn này.
Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện tốt việc này, nhiều nơi vẫn còn làm cầm chừng hoặc vừa làm vừa nghe ngóng, đặc biệt là không ít nơi cố tình kéo dài chậm trễ và vừa rồi chúng ta thấy cũng có nhiều nơi kéo dài với lý do chờ Nghị định mới về tổ chức bộ máy theo cơ cấu của Chính phủ.
Nếu chúng ta kiên quyết và thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu, của cơ quan đoàn thể thì có lẽ kết quả thực hiện sẽ tốt hơn, đặc biệt là hướng vào phục vụ nhân dân, đảm bảo sự ổn định về công ăn việc làm và họ tin vào chủ trương chung.
PV: Theo tinh thần của việc sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy, một cơ quan thực hiện nhiều việc, như vậy công việc của cán bộ, công chức cũng sẽ nhiều hơn. Nhiều người lo ngại rằng với các áp lực công việc tăng thêm như vậy, cộng thêm chế độ chính sách chưa tương xứng thì dễ dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, nhiệt tình trong công việc, khiến cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động của đơn vị vì thế mà không đạt hiệu quả như mong muốn. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Ngô Thành Can: Trong bất kỳ một cuộc cải cách, một cuộc thay đổi nào, nhất là thay đổi về nhân sự và tổ chức bộ máy đều có sự lo lắng, không đồng tình hoặc là chưa ủng hộ bước đầu, có thể có nhiều trường hợp gây ra những cản trở.
Nhưng rõ ràng khi tiến hành tinh gọn bộ máy, việc gây áp lực cho công chức, viên chức về yêu cầu năng lực cũng như chế độ, chính sách là có nhưng từng bước sẽ được khắc phục. Qua thực tiễn sáp nhập cho thấy, hoạt động của các đơn vị mới khi được sáp nhập vào thì dần dần ổn định và được duy trì tốt, những lo lắng, lo ngại bước đầu đã ổn định.
Có một số kinh nghiệm trong việc này, thứ nhất là vai trò của người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm, thực hiện “6 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo đổi mới và dám đương đầu với khó khăn. Thứ hai là vai trò của cấp ủy và của các cấp tổ chức đoàn thể tham gia vào và bám sát vào các chủ trương, đường lối chính. Thứ ba là sự hợp tác, phối hợp của các cán bộ quản lý cũng như công nhân viên, cán bộ, công chức liên quan. Nếu được sự đồng tình, nỗ lực phấn đấu của họ thì mọi việc sẽ đi lên và xu hướng tinh gọn tốt hơn.
PV: Trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy đặt ra rất nhiều vấn đề, trong đó có một nội dung dư luận cũng dành khá nhiều quan tâm đó là khi sáp nhập 2 hoặc 3 đơn vị vào làm một thì chỉ có một người làm trưởng. Do vậy sẽ khó tránh khỏi việc xuất hiện tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Ngô Thành Can: Đã có vấn đề này và chắc chắn sẽ có. Bởi vì khi thực hiện tinh gọn bộ máy, vấn đề quan trọng là con người. Đã liên quan đến con người thì nó cũng chịu ảnh hưởng bởi những tác động chủ quan và khách quan.
Rõ ràng từ 2-3 đơn vị được sáp nhập thành 1 đơn vị thì vị trí quản lý sẽ giảm đi, đặc biệt là cấp trưởng bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, khi sắp xếp lại thì sẽ đàm phán, thương lượng, phân công, bố trí, nhiều chỗ người ta đã đề xuất phải thi tuyển lại. Vừa qua, các cơ quan đã làm tốt việc này và cũng chưa gây ra tai tiếng lớn, nhưng ở đâu đó vẫn còn “điều ong tiếng ve”, vẫn còn dư luận về “chạy chức, chạy quyền”.
Song có thể khẳng định, việc sắp xếp lại là chủ trương đúng và chúng ta đã đi được những bước cơ bản, đã chọn được người phù hợp sau khi tổ chức lại bộ máy. Rõ ràng, việc lựa chọn những con người phù hợp trong số những con người đang đảm trách là công việc khó khăn và chúng ta đã tập trung nhiều vào vấn đề này.
Chúng tôi hay nói vui với những người làm công tác nhân sự rằng, họ là những người có khả năng thương lượng, đàm phán, làm sao đưa ra lời tư vấn phù hợp và bố trí phù hợp, đảm bảo vừa thực hiện tốt chủ trương, vừa đảm bảo anh em tin tưởng và ủng hộ chủ trương này.
PV: Theo ông, để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đạt kết quả cao nhất, điều gì là mấu chốt?
Ông Ngô Thành Can: Để tinh gọn bộ máy đạt hiệu lực, hiệu quả thì điều quan trọng là phải đi trên "hai chân", một chân là chủ trương, đường lối, là chế độ, chính sách, là văn bản quy phạm pháp luật - đây là những yếu tố cần phải bám chắc và thực hiện tốt; chân thứ hai là vấn đề con người. Những người làm công tác nhân sự phải có tâm trong, trí sáng thì mới có chính sách tốt, hướng đi tốt. Khi bộ máy hoạt động tốt, có kết quả tốt thì sẽ có hiệu lực, hiệu quả và xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tốt có đủ năng lực để thực thi, đảm bảo “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư đã từng nói.
PV: Xin cảm ơn ông./.