Đề xuất tạm sử dụng rừng để phục vụ thi công đường sắt tốc độ cao

Việc được tạm sử dụng rừng để thi công các dự án đường giao thông, đường sắt có ý nghĩa to lớn và tác động tích cực đến tiến độ thực hiện và hiệu quả thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; trong đó đề xuất quy định bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng là 2 dự án quan trọng quốc gia cấp thiết đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; được Quốc hội cho phép được áp dụng nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, trong đó có chính sách tạm sử dụng rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án.

Việc bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt trên, cũng xuất phát từ nhu cầu thực cấp thiết phát sinh trong thực tiễn khi các dự án chỉ có nhu cầu tạm sử dụng diện tích rừng trong quá trình thi công, không chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

Dự thảo Nghị định quy định bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đây là các hạng mục cần thiết, cấp thiết để thực hiện các dự án đường giao thông, đường sắt (như đường vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng, lắp đặt đường ray…).

Sau khi dự án hoàn thành, diện tích sử dụng cho các công trình tạm được hoàn trả lại mục đích sử dụng ban đầu, chủ đầu tư hoàn nguyên lại môi trường và thực hiện trồng lại rừng và bàn giao lại cho chủ rừng, do vậy không phải chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các công trình tạm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc tạm sử dụng rừng đã được quy định tại Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối tượng được tạm sử dụng rừng mới quy định về tạm sử dụng rừng để thực hiện công trình tạm phục vụ thi công dự án lưới điện để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chưa có quy định về đối tượng tạm sử dụng rừng cho các dự án “Đường giao thông, đường sắt” trọng điểm quốc gia để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, để đảm bảo tiến độ xây dựng 2 dự án đường sắt cấp thiết quan trọng quốc gia nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 27/2024/NĐ-CP để bổ sung quy định về đối tượng được tạm sử dụng rừng để phục vụ thi công các dự án đường giao thông và đường sắt là rất cần thiết, dự thảo tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ.

Việc xây dựng ban hành Nghị định nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Lâm nghiệp về Quy chế quản lý rừng để thi hành, áp dụng trong thực tiễn; Giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp; Thực hiện đúng nhiệm vụ được Quốc hội giao.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về đánh giá tác động đối với đối tượng chịu tác động được quy định trong dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết thời gian qua, theo báo cáo của 39 địa phương về kết quả tạm sử dụng rừng theo quy định tại Nghị định số 27/2024/NĐ-CP, trong đó, có 37/39 tỉnh không có dự án tạm sử dụng rừng, tổng số có 4 dự án đề nghị phê duyệt Phương án tạm sử dụng rừng tại 02/39 tỉnh và đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt Phương án tạm sử dụng rừng để thực hiện dự án đường dây điện.

Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An có 3 dự án: Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch- Quỳnh Lưu; Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu- Thanh Hóa và Dự án đường dây 220kV Trạm cắt Nậm Sum- Nông Cống) với tổng diện tích tạm sử dụng rừng là 6,78258 ha.

Tại tỉnh Quảng Nam có 1 dự án: Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây đấu nối Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; tổng diện tích sử dụng tạm là 1,3272 ha (gồm: 1,2454 ha rừng tự nhiên và 0,0818 ha rừng trồng).

Theo báo cáo của các địa phương, quy định về tạm sử dụng rừng tại Nghị định số 27/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho các dự án về lưới điện, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư các công trình, dự án lưới điện thuận lợi trong việc lập hồ sơ thủ tục, thuận lợi trong quá trình vận chuyển vật liệu, tập kết vật liệu để thi công đối với dự án có vi trí móng trụ đặt ở giữa rừng.

Điều này đã giúp quá trình thi công xây dựng được thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công dự án để hoàn thành đúng tiến độ đề ra, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, điển hình là Dự án đường dây 500kV mạch 3 (qua địa phận tỉnh Nghệ An).

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-tam-su-dung-rung-de-phuc-vu-thi-cong-duong-sat-toc-do-cao.htm