Đề xuất tăng cường công tác hậu kiểm để kiểm soát, nâng cao chất lượng thực phẩm
Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn thực phẩm.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm để kiểm soát, nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng và kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố; tự công bố sản phẩm...
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng; trong đó 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất. Thời gian qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm. Trong bối cảnh thị trường thực phẩm phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh mới trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát toàn diện hơn chất lượng thực phẩm.
Đồng thời, tính từ năm 2021 đến 2024, đã có 29.779 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước có hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Bộ Y tế. Tuy nhiên khi cơ quan quản lý hậu kiểm, doanh nghiệp thực tế chỉ kinh doanh rất ít sản phẩm, thậm chí các tổ chức thương mại này không còn hoạt động, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm cùng với kiểm soát tính năng công dụng.
Cụ thể, quy định chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm được phép đứng tên trong hồ sơ công bố. Trường hợp không phải 2 chủ thể trên thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải có giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm. Quy định này phù hợp thông lệ quản lý đối với lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm trường hợp phải công bố lại nếu có sự thay đổi về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; cơ sở sản xuất, xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần; công dụng, đối tượng; liều sử dụng; nồng độ, hàm lượng, khối lượng thành phần tạo công dụng sản phẩm, dạng bào chế; chỉ tiêu chất lượng, an toàn và phương pháp kiểm nghiệm. Quy định này phù hợp thông lệ quản lý đối với lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố sản phẩm mỹ phẩm. Bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định công bố lại khi thay đổi tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, xuất xứ sản phẩm.
Cùng đó, Bộ đề xuất bổ sung quy định thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc không tiếp tục công bố trên trang thông tin điện tử cơ quan quản lý đối với trường hợp thực phẩm tự công bố, trường hợp cơ quan quản lý phát hiện sản phẩm công bố không sản xuất kinh doanh trong vòng 3 năm sau khi công bố. Bộ Hồ sơ thông tin sản phẩm được quy định bao gồm: Phiếu kiểm nghiệm gồm các chỉ tiêu theo hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm cùng Phương pháp kiểm nghiệm; quy định tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải lưu hồ sơ tại cơ sở để phục vụ công tác hậu kiểm và xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra yêu cầu.
Theo Bộ Y tế, nội dung quy định bổ sung này không tăng hoạt động tiền kiểm; đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu (theo Hiệp định TBT/SPS); không tăng thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Trường hợp phải công bố lại nếu có sự thay đổi về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; cơ sở sản xuất, xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần; công dụng, đối tượng; liều sử dụng; nồng độ, hàm lượng, khối lượng thành phần tạo công dụng sản phẩm, dạng bào chế; chỉ tiêu chất lượng, an toàn và phương pháp kiểm nghiệm (điểm d khoản 4; điểm c khoản 7 Điều 1 dự thảo Nghị định).
Cùng đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung điều khoản quy định về việc thu hồi và dừng tiếp nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp phải thu hồi và thẩm quyền thu hồi...