Đề xuất tăng gấp 1,2 đến 2 lần mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm

Hàng loạt vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) có quy mô lớn bị phát hiện, với diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính, với mức tăng dự kiến từ 1,2 đến 2 lần so với hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời cử tri TP Huế gửi tới Bộ Y tế trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, cử tri phản ánh thực trạng đáng lo ngại về thực phẩm chức năng kém chất lượng, sữa giả được rao bán công khai trên mạng xã hội; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan trước cổng trường học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Công tác quản lý vệ sinh ATTP đang có những chồng chéo, vướng mắc, nhiều đầu mối quản lý dẫn đến hiệu quả không cao. Cử tri đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác quản lý vệ sinh ATTP đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP.

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết ra chợ, quán ăn.

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết ra chợ, quán ăn.

Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) và trình Chính phủ vào tháng 12/2024. Theo Nghị quyết số 158/NQ-CP ngày 3/6/2025, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện hồ sơ chính sách, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Bộ Y tế đang là đầu mối tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 115/2018 và Nghị định 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; trong đó đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại.

Các hành vi vi phạm đang được tập trung nghiên cứu để tăng mức phạt bao gồm: Vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; và vi phạm quy định về quảng cáo.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, hiện tại, chế tài xử lý vi phạm về ATTP đã được quy định tương đối đầy đủ, từ hình sự (Điều 317 Bộ Luật hình sự) đến xử phạt hành chính.

Từ năm 2020-2025, ngành Y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50 nghìn cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng.

Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành (Công an, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Môi trường) và UBND các cấp để điều tra, truy tìm nguồn gốc và triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, việc quản lý sản phẩm được phân theo ngành dọc, với trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được phân cấp cho UBND cấp tỉnh.

Cùng đó, Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm đảm bảo đường truyền, trung tâm dữ liệu và các thiết bị phục vụ chuyển đổi số nói chung và y tế số nói riêng. Bộ Y tế cũng đang dự thảo Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường hiệu quả quản lý ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-tang-gap-1-2-den-2-lan-muc-phat-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-i774343/