Đề xuất tăng làn thu phí ETC trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Trước tình hình giao thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - Long Thành - Dầu Giây vẫn còn diễn biến phức tạp, để giảm ùn tắc cho tuyến cao tốc này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đề nghị Tổng Công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) bổ sung thêm các làn thu phí tự động không dừng (ETC).
Theo Sở GTVT TP.HCM: Từ khi đưa hệ thống thu phí ETC vào hoạt động, tình hình giao thông tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại các trạm thu phí Long Phước, trạm ra Quốc lộ 51 (theo hướng từ TP.HCM đi Quốc lộ 51 và trạm vào cao tốc từ hướng Quốc lộ 51 về TP.HCM) lượng xe qua trạm lớn dẫn đến ùn tắc thường xuyên. Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị chủ đầu tư rà soát phương án tổ chức giao thông, sớm triển khai đầy đủ làn thu phí ETC để giảm ùn tắc.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55,7km với 4 làn xe được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng hiện nay lưu lượng xe lưu thông luôn vượt năng lực thiết kế. Dự án được thiết kế có tổng cộng 41 làn thu phí. Từ cuối tháng 7/2022, dự án đã đưa vào hoạt động 25 làn ETC và từ ngày 1/8 thực hiện 100% thu phí tự động không dừng.
Tháng 9/2022, Bộ GTVT đã yêu cầu VEC lên phương án hoàn thiện hệ thống ETC để giảm ùn tắc trên tuyến cao tốc này. Cùng với đó VEC đề xuất mở rộng chiều dài gần 22km của dự án (từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe nhưng Bộ GTVT đã bác bỏ vì cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ GTVT đã yêu cầu VEC bổ sung thêm các phương án về nguồn vốn đầu tư như đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), phương thức nhượng quyền..., tính toán ưu nhược điểm để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định.