Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính không lập biên bản lên gấp 4 lần
Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân, tăng 4 lần so với quy định hiện hành.
Sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều, bãi bỏ 16 điều của luật hiện hành và bổ sung mới 2 điều.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với những thay đổi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đơn giản hóa thủ tục xử phạt, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền trong việc thực thi công vụ.
Đáng chú ý là sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa.
Mức phạt sẽ được điều chỉnh từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức. Việc này nhằm đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay so với trước đây.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung, ngoài khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, địa bàn TP Hà Nội có thể áp mức phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành quy định tăng mức phạt vi phạm hành chính tối đa không cần lập biên bản để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với việc bổ sung địa bàn TP Hà Nội được áp mức phạt vi phạm hành chính cao hơn, theo ông Tùng là không cần thiết.
Ông Tùng lý giải: Trong Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định trên địa bàn Hà Nội thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng trong các lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Luật Thủ đô cũng quy định "trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này".
Do đó, trường hợp không bổ sung nội dung này thì việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định của Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng việc bổ sung lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm" được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động.
Lý do là vì mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý khác nhau, Thủ đô Hà Nội có đặc thù riêng, có mức đô thị hóa cao khác với các thành phố trực thuộc trung ương khác.
Mặt khác, việc quy định "khu vực nội thành" như trong dự thảo Luật cũng chưa thực sự phù hợp, khả thi và khó xác định, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và các luật, nghị quyết có liên quan.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu nội dung này, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật này, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.