Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia với số vốn từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng
Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, ngoài vốn ngân sách, Quỹ sẽ có thêm nguồn góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; tiền thu được từ bán nhà ở xã hội thuộc tài sản công; các khoản đầu tư của chính quỹ.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan về dự thảo nghị định thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Quỹ được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn lực cho việc phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết của người thu nhập thấp.
Theo nội dung dự thảo, Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ bao gồm hai cấp: quỹ trung ương do Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý và quỹ địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập, giao Sở Xây dựng vận hành. Cả hai cấp quỹ đều có tư cách pháp nhân riêng, được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo đúng quy định.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.
Về quy mô, quỹ trung ương sẽ được cấp vốn điều lệ ban đầu tối thiểu 5.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm sau khi thành lập. Ngoài nguồn vốn ngân sách, quỹ còn có thể huy động từ các kênh hợp pháp khác như: đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiền thu được từ bán nhà ở xã hội thuộc tài sản công; nguồn thu từ các hoạt động đầu tư của chính quỹ.
Tại địa phương, quỹ nhà ở được hình thành từ ngân sách địa phương sau khi được Hội đồng Nhân dân tỉnh chấp thuận. Ngoài ra, quỹ còn có thể nhận thêm vốn từ nhiều nguồn như: khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải nộp; tiền bán nhà ở xã hội là tài sản công do địa phương quản lý; nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất; cùng các nguồn hợp pháp khác được áp dụng theo cơ chế đặc thù cho phát triển nhà ở xã hội.
Quỹ sẽ có nhiệm vụ đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội để cho thuê. Ngoài ra, quỹ cũng có thể tiếp nhận và cải tạo các công trình nhà ở thuộc tài sản công hiện do các cơ quan Nhà nước quản lý để chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê lại, hoặc mua lại nhà ở do tư nhân xây dựng để phục vụ nhu cầu thuê của người dân.
Bên cạnh đó, quỹ còn được phép mua nhà ở thương mại để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo dự thảo, thời hạn hoàn thành đối với các dự án nhà ở xã hội độc lập do quỹ đầu tư sẽ không vượt quá 5 năm. Đối với các dự án có hạ tầng đồng bộ, thời gian thực hiện tối đa là 7 năm.
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, bản thân đã kiến nghị giải thể hàng loạt quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách vì hoạt động không hiệu quả, thiếu nguồn lực, nhiệm vụ chồng lấn, trùng lặp. Tuy nhiên, Quỹ Nhà ở quốc gia lại rất cần thiết, vì hầu hết các nước trên thế giới đều có quỹ này để phát triển nhà ở xã hội.
Trên thế giới, kể cả các nước phương Tây như Đức, Pháp, Anh..., Quỹ Nhà ở quốc gia do chính quyền trung ương, tỉnh, bang, vùng quản lý, hoạt động không vì lợi nhuận, mà nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm, công viên, vườn hoa... bên ngoài dự án nhà ở xã hội. Đây là trách nhiệm của chính quyền, không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Quỹ Nhà ở quốc gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chỉ để cho đối tượng đủ điều kiện thuê, thuê mua. Còn nhà xây để bán là việc của doanh nghiệp, lời ăn, lỗ chịu. Giá bán do thị trường quyết định vì chính quyền không thể định giá được từng căn hộ giao dịch bao nhiêu”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước mới chỉ xây dựng xong 22.619 căn hộ nhà ở xã hội, thực hiện được 22,6% so với mục tiêu 100.000 căn đề ra trong năm 2025. Gói tín dụng 145.000 tỷ cũng chưa có nhiều tiến triển khi mới chỉ giải ngân được khoảng 3.400 tỷ đồng, dù đã 4 lần giảm lãi suất.