Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030'.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu

Chiều 25/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn, trong đó có: 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 140 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 124.352 căn; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 406.045 căn.

Như vậy, với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ví dụ như: Chưa có Quỹ phát triển nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.

Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân còn phức tạp, kéo dài; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch; phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội như dự án nhà ở thương mại; Quy trình thực hiện thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội còn kéo dài; Chưa có quy định để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội...

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; Tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Trong đó, dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia (Điều 4 dự thảo Nghị quyết). Chính phủ thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó là các nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công; Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; Giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn; Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc ban hành Nghị quyết này cắt giảm được các thủ tục hành chính, cụ thể như: giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu sẽ cắt giảm khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.

Quy định không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết (Điều 8 dự thảo Nghị quyết) thực hiện cắt giảm được 65 ngày so với quy định hiện hành (bằng 100%). Quy định bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng (Điều 9 dự thảo Nghị quyết) thực hiện cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%). Đối với quy định về xác định giá bán, giá thuê mua (Điều 9 dự thảo Nghị quyết) thực hiện cắt giảm được từ 30 - 90 ngày so với quy định hiện hành (100%)....

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết: Thường trực Ủy ban tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia (Điều 4), đồng thời đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (Điều 9), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với việc cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng tại Điều này, đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội; rà soát nội dung cần giao quy định chi tiết cho phù hợp, khả thi...

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-thanh-lap-quy-phat-trien-nha-o-quoc-gia-20250425175345104.htm