Nhận diện vấn đề về ô nhiễm không khí để có hành động thực chất

Hội thảo 'Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn,' xác định càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế.

Các tuyến đường Hà Nội mờ mịt do ô nhiễm, sáng 2/1. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Các tuyến đường Hà Nội mờ mịt do ô nhiễm, sáng 2/1. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Chiều 25/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” đã chủ trì Hội thảo “Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.”

Càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia giúp Đoàn giám sát bảo đảm đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá, nhận định khách quan để phục vụ xây dựng báo cáo và các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này với những nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới.

Nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, để giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã xác định và phân công các bộ, cơ quan triển khai nhiệm vụ về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.”

Tuy nhiên, việc khắc phục ô nhiễm không khí còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, dẫn đến chỉ số đo lường chất lượng không khí ở Hà Nội và các đô thị lớn ở nước ta nhiều ngày đã ở mức báo động đỏ.

Theo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ô nhiễm không khí đang tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm: phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội và vùng phụ cận) và phía Nam (trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận).

Trong đó, bụi mịn PM2.5 - loại hạt cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tuần hoàn - đang là tác nhân chính gây hại sức khỏe cộng đồng. Nguồn phát thải chủ yếu gồm bốn nhóm, hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải) và sinh hoạt dân sinh.

Phát biểu làm rõ một số nội dung tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế và chi phí thực hiện càng tiết kiệm.

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng không khí của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật liên quan ngày càng được hoàn thiện; các công cụ quan trắc, kiểm kê nguồn thải đã bắt đầu được triển khai; đồng thời, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo lần này để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai hai nhóm giải pháp trọng tâm.

Đó là nhóm giải pháp về quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Nhóm giải pháp này sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt ủng hộ việc triển khai thử nghiệm “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội - một mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia và hoàn toàn có thể nhân rộng ra Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các đô thị lớn khác.

Về nhóm giải pháp về kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải theo hướng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, xây dựng lộ trình giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống giao thông xanh, sử dụng năng lượng sạch.

Việc đầu tư vào hệ thống quan trắc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo, cảnh báo chất lượng không khí là xu hướng tất yếu và cần được đẩy mạnh.

Bên cạnh hai nhóm giải pháp nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng kiến nghị với Quốc hội hai nội dung quan trọng đó là tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời tích hợp yêu cầu bảo vệ môi trường vào các luật chuyên ngành như Giao thông, Xây dựng, Quy hoạch,… một cách đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó xem xét tăng tỷ lệ ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên đầu tư cho xử lý ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và các lưu vực sông trọng điểm.

Thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở đô thị

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chỉ rõ nguyên nhân chính gây ra khói mù, ô nhiễm không khí là giao thông đô thị, ôtô cũ, xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đạt tiêu chuẩn khí thải, kẹt xe, nổ máy lâu, tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời tập trung ở vùng ven đô và vùng nông thôn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại các đô thị.

Ngoài ra, việc thiếu giải pháp thu gom, xử lý rác tại nguồn; nhà máy ximăng, nhiệt điện, vật liệu xây dựng phát thải không qua xử lý hoặc giám sát yếu; xe tải vận chuyển vật liệu không che chắn, gây bụi; thiếu không gian cây xanh, mặt nước, đô thị hóa, bêtông hóa bề mặt, thiếu hành lang thông gió… cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, quản lý và giám sát môi trường còn nhiều yếu kém, thiếu hệ thống cảm biến chất lượng không khí diện rộng; thiếu cơ chế phản ứng, thiếu chế tài đủ sức răn đe…

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục rà soát nội dung, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về quản lý chất lượng không khí trong thời qua.

Thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí thường xuyên, liên tục, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng không khí, kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí tại các đô thị theo thời gian thực để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Đồng thời rà soát, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia. Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung kiến nghị có đủ luận cứ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những ý kiến xây dựng tại Hội nghị và chỉ đạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, giới chuyên môn và cộng đồng, bài toán ô nhiễm không khí mới có thể được giải quyết một cách căn cơ và bền vững. Trong bối cảnh chất lượng không khí có thể trở thành yếu tố cản trở phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm chuyển từ nhận diện vấn đề sang hành động thực chất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhan-dien-van-de-ve-o-nhiem-khong-khi-de-co-hanh-dong-thuc-chat-post1035077.vnp