Đề xuất thành lập Trung tâm tài chính Việt Nam : Cơ chế vượt trội nhưng cần giám sát chặt chẽ
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội, nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ...

Ảnh minh họa.
Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Trung tâm tài chính là một “hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định”, là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và có các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa.
Xây dựng Trung tâm tài chính là việc hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính, kết nối với các Trung tâm tài chính quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thủ” cho Trung tâm tài chính ở Việt Nam.
Việt Nam đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ đó, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa và góp phần đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam theo ba nhóm chính sách gồm: thành lập Trung tâm tài chính và các cơ quan thuộc Trung tâm tài chính (gồm: Ủy ban quản lý điều hành, Ủy ban giám sát tài chính; Trung tâm trọng tài quốc tế); các chính sách áp dụng đối với Trung tâm tài chính; chính sách quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.
Tại phiên họp, về thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính,… đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.
Bên cạnh việc phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, phí cho Trung tâm tài chính cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với việc quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế, nên quy định theo hướng Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế; các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội, nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Đối với dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng yêu cầu tập trung làm rõ vị trí, vai trò của Trung tâm tài chính đối với một nền kinh tế và so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển khác.
Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời làm rõ nội hàm của từng nhóm chính sách đang dự kiến xây dựng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về: tổ chức, cơ cấu của Trung tâm tài chính; cơ chế giải quyết tối giản, thuận lợi, tiếp cận với quốc tế; bộ máy điều hành, cách thức giám sát, quản lý nhà nước (tiền kiểm hay hậu kiểm, cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp); cơ chế thu thập thông tin; cơ chế thí điểm đột phá; cách thức hạn chế rủi ro…