Đến lượt ngành gỗ thấp thỏm trước nguy cơ Mỹ áp thuế quan cao

Sau nhôm và thép, đến lượt ngành gỗ Việt Nam thấp thỏm trước thông tin Mỹ dự kiến sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh sách hàng hóa bị áp thuế nhập khẩu, có hiệu lực vào đầu tháng 4 tới.

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 25%, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn vì thị trường Mỹ đang chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Một số dòng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế 25%. Ảnh minh họa: LH

Một số dòng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế 25%. Ảnh minh họa: LH

Nguy cơ thuế 25% đối với sản phẩm gỗ Việt

Trao đổi với KTSG Online, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã thể hiện sự lo lắng mặc dù trước đó họ vẫn lạc quan sẽ không bị áp thuế. Hầu hết đều cho rằng ngành gỗ không nằm trong diện bị áp thuế, bởi vì Mỹ gần như không có ngành sản xuất nội địa liên quan. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết khả năng Mỹ sẽ áp thuế cao với đồ gỗ Việt Nam đang ở mức báo động.

"Phát biểu trước báo giới ngày 19-2-2025, Tổng thống Trump cho biết ông đang xem xét việc mở rộng thuế đối với sản phẩm gỗ xẻ (lumber) và sản phẩm từ rừng (forest products - FP). Mức thuế ông đang xem xét là 25% và có hiệu lực từ ngày 2-4-2025 tương tự với mặt hàng thuốc, ô tô và chất bán dẫn", trích nội dung của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ gửi đến các Hiệp hội ngành nghề có liên quan trong nước.

Thương vụ tìm hiểu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), sản phẩm FP là các mặt hàng đa số thuộc nhóm HS 44 (gỗ), 45 (mây tre), 46, 47 (bột giấy), 48, 49 (giấy, sản phẩm in). Theo USITC, năm 2024, Mỹ nhập khẩu khoảng 2 tỉ đô la Mỹ mặt hàng nói trên, tăng 23% so với năm 2023, đứng thứ 5 trong nhóm các nước xuất khẩu chính sang Mỹ.

Đối với Việt Nam, sản phẩm gỗ (HS 44) luôn là mặt hàng chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm từ rừng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dẫn số liệu của USITC rằng, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 995 triệu đô la mặt hàng gỗ HS 44, chiếm tỷ trọng gần 50% kim ngạch mặt hàng từ rừng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Các sản phẩm từ rừng (FP) của Việt Nam đang có sự tăng trưởng xuất khẩu cao tại thị trường Mỹ. Do đó, nếu bị áp thuế sẽ phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh cũng như lợi nhuận trong trường hợp Mỹ áp dụng với tất cả nguồn nhập khẩu.

Doanh nghiệp lo lắng

Hiện nay, đây mới là ý tưởng của Tổng thống Trump và chưa rõ việc áp thuế sẽ được xây dựng trên cơ sở pháp lý nào và cách thức, phạm vi áp thuế ra sao. Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online về việc này, hầu hết các doanh nghiệp đồ gỗ có xuất khẩu sang thị trường này đều thể hiện sự lo lắng.

Hiện tại, mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ là 0%, trong khi Trung Quốc lên tới 25%. "Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam nếu bị áp thuế 25% sẽ rất khó cạnh tranh với các sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc dù gần đây họ bị Mỹ áp thuế bổ sung thêm 10%", ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, đơn vị có trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ nói.

Phần lớn sản phẩm Việt Nam xuất đi đến cảng, phía đối tác Mỹ nhận hàng sẽ chịu thuế nhập khẩu này. Theo ông Hiệp, nếu yêu cầu giảm giá xuất khẩu để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp sẽ không có đủ lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.

Doanh nghiệp gỗ đang lo lắng trước thông tin Mỹ áp thuế nhập khẩu cao. Ảnh: LH

Doanh nghiệp gỗ đang lo lắng trước thông tin Mỹ áp thuế nhập khẩu cao. Ảnh: LH

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp đồ gỗ Trung Quốc nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 25%.

Thực tế sau khi Mỹ áp thuế 25% với đồ gỗ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ở quốc gia tỉ dân này đã đẩy mạnh khai thác những thị trường không bị lệch thuế như ở EU. Ngay lập tức, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã bị cạnh tranh khốc liệt ở thị trường này. "Chúng tôi đã mất một số khách hàng ở thị trường EU do không thể cạnh tranh hàng từ Trung Quốc", ông Sang nói.

Ứng phó thế nào?

Mọi sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đều có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp thuế. Để ứng phó với vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Phùng Quốc Mẫn, cho biết HAWA cùng các hiệp hội ngành nghề đề xuất Chính phủ chủ động giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trả đũa từ phía Mỹ.

Rà soát lại các khoản thuế nhập khẩu với Mỹ cho thấy dù Việt Nam đã dành cho Mỹ mức thuế ưu đãi 0% với phần lớn gỗ (gỗ tròn và gỗ xẻ thuộc mã HS 44), nhưng lại áp mức thuế 20-25% đối với đồ gỗ (sản phẩm gỗ thuộc mã HS 94). Cụ thể đồ nội thất sử dụng trong văn phòng, nhà bếp, phòng ngủ hay các tủ gỗ hút hơi độc và các loại đồ gỗ khác của Mỹ, Việt Nam đang áp mức từ 20-25%.

"Các doanh nghiệp trong ngành gỗ lo ngại rằng việc Mỹ áp thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ, trong khi họ không nhập khẩu nhiều sản phẩm gỗ từ Mỹ. Do đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ chủ động giảm thuế đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Mỹ, thay vì chờ đến khi Mỹ áp thuế rồi mới đàm phán".

Tham gia hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường mới một cách làm của doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: LH

Tham gia hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường mới một cách làm của doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: LH

Người đại diện HAWA cũng khuyến cáo doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần đảm bảo không vi phạm các quy định về nguồn gốc gỗ và sản xuất, nếu không sẽ có nguy cơ bị điều tra và áp thuế. Mỹ có xu hướng chú ý đến gian lận xuất xứ, do đó doanh nghiệp cần lưu ý không để hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các nước khác mượn mác Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Các lô hàng phải được xác thực là hoàn toàn đến từ Việt Nam.

Việc đa dạng hóa thị trường cũng là một chiến lược quan trọng, giúp các doanh nghiệp không phải phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt và chính sách của Mỹ ưu tiên lợi ích quốc gia, ông Trần Quốc Mạnh nhận định doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ mối quan hệ quốc tế thân thiện. Điều này giúp doanh nghiệp nhanh chóng thay thế thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và thích ứng với thay đổi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần điều chỉnh linh hoạt chiến lược kinh doanh theo từng giai đoạn, từ giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa quy trình đến điều chỉnh mục tiêu phát triển. Chuyển đổi số cũng là yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng kênh phân phối thông qua không gian mạng. Việc quay trở lại thị trường nội địa cũng là một giải pháp với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài những khuyến nghị trên, việc ông Trump “mở lối” nếu các quốc gia giảm hoặc miễn trừ thuế, mua thêm hàng hóa Mỹ thì khả năng bị đánh thuế của chính quyền ông có thể trì hoãn.

Dù vậy, các ý kiến cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn vì Mỹ đang chiếm hơn 55% thị phần gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Xét trên tổng thể, thách thức từ chính sách thuế liệu có thể trở thành cú sốc lớn cho ngành gỗ Việt Nam, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo không ngừng để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/den-luot-nganh-go-thap-thom-truoc-nguy-co-my-ap-thue-quan-cao/