Đề xuất thời gian cơ cấu hạn trả nợ không quá 1 năm với khách vay bị thiệt hại do bão lũ

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Những con tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long giờ chỉ còn là đống sắt vụn sau bão số 3. Ảnh: Thanh Vân- TTXVN

Những con tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long giờ chỉ còn là đống sắt vụn sau bão số 3. Ảnh: Thanh Vân- TTXVN

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để được cơ cấu nợ khách hàng phải đáp ứng một số quy định.

Cụ thể, khách hàng chịu thiệt hại từ bão số 3 có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến ngày thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên.

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2026.

Khách hàng được cơ cấu nợ là khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp sau: Khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3; đối tác của khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 nên không thực hiện được đúng, đầy đủ các cam kết, thỏa thuận đã ký với khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Đáng chú ý, quy định trên loại trừ trường hợp khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đang cần có thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trường hợp này được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không quá 1 năm kể từ ngày được cơ cấu.

TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá ngày 31/12/2026.

Trong phần thuyết minh về đề xuất trên, cơ quan soạn thảo cho biết tại các buổi làm việc, tổ chức tín dụng cho rằng nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng như mất hết lồng bè và cá, thiệt hại phần lớn vật nuôi cây trồng... Vì vậy, sau khi hết thiên tai, khách hàng cần thời gian nhất định để tìm kiếm cứu nạn người mất tích, thu dọn, sắp xếp, sửa chữa lại nhà cửa, cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc thu xếp nguồn vốn để sửa chữa, phục hồi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua giống vật nuôi, cây trồng cũng hết sức khó khăn. Do đó, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kế hoạch trả nợ đảm bảo khả năng trả nợ sau cơ cấu theo quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất khó khăn.

Thêm nữa, việc tổng hợp đánh giá thiệt hại và thực hiện các chính sách của nhà nước (bồi thường thiệt hại do thiên tai, khoanh nợ) cũng cần khá nhiều thời gian để xử lý. Thực tế, việc xử lý khoanh nợ cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải cần 6-8 tháng (có trường hợp là hơn 1 năm) do phải thực hiện xử lý tại nhiều cấp ở địa phương, các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Do vậy, dự thảo thông tư đã có quy định để xử lý đối với tình huống nêu trên, đảm bảo tổ chức tín dụng có thể triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định pháp luật.

Dự thảo quy định khách hàng chịu ảnh hưởng của báo số 3 tại 26 địa phương sau thuộc diện hưởng cơ chế này bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Đáng chú ý, thông tư này quy định về việc tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, không áp dụng việc kéo dài Thông tư 02 năm 2023 do văn bản quy định về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ kết thúc vào 31/12/2024.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3 với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5-2%. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-thoi-gian-co-cau-han-tra-no-khong-qua-1-nam-voi-khach-vay-bi-thiet-hai-do-bao-lu/348839.html