Đề xuất thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo...

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung các trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Điều 103 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu.

Trừ các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 1 Điều 119 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Bao gồm: Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong các trường hợp sau: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp; chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định Điều 117 dự thảo Luật.

Cụ thể, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định. Người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trong thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

Trong khi đó, Luật Việc làm 2013 hiện hành quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động, không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu.

Trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-thoi-gian-dong-bao-hiem-that-nghiep-tren-144-thang-khong-duoc-bao-luu.htm