Đề xuất thời gian tăng thuế tiêu thụ rượu bia từ năm 2027
Theo đại diện Bộ Tài chính, có thể giãn bớt lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng trong đó có rượu bia và thực hiện từ năm 2027.
Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt tổ chức ngày 22/4, ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự luật - giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng, trong đó có bia, rượu.

Ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính). Ảnh: Báo Nhân dân
Theo ông Lưu Đức Huy, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao dự án Luật này và phải bám sát vào chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó có nêu định hướng phải sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt.
Vừa qua, Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, tác động mạnh đến kinh doanh cũng như tâm lý của các doanh nghiệp và của cả Việt Nam, các nước trên thế giới. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chính phủ đã lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để Bộ Tài chính giúp cơ quan Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về nội dung cần thiết điều chỉnh phương án.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này sang 2027, thay vì 2026 như dự kiến ban đầu.
Cùng với đó, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án tăng thuế "đỡ sốc" cho doanh nghiệp. Theo phương án này, rượu từ 20 độ trở lên dự kiến tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% trong 5 năm. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60%, bia cũng tăng từ 65% hiện nay lên 90% trong cùng giai đoạn.
Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép do biến động kinh tế toàn cầu, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như rượu, bia cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo đó, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng. Đối với mặt hàng bia, VCCI đề xuất tăng thuế từ năm 2028, theo hướng mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030.
Hiện nay, Dự thảo Luật thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất, bao gồm:
Phương án 1: Tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%.
Phương án 2: Tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.