Đề xuất thu phí khí thải với mức cố định 3 triệu đồng/năm
Để bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính muốn thu thêm phí khí thải với mức cố định là 3 triệu đồng/năm/đơn vị xả thải. Theo đó dự kiến giúp ngân sách có thêm 1.200 tỉ đồng một năm.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội.
Theo Bộ Tài chính, với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí ở nhiều thành phố lớn, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng giảm, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như môi trường.
"Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường không khí", Bộ Tài chính đánh giá.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.
Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 2 phần: phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất bụi tổng, NOx, SOx, CO và phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải.
Mức phí cố định đối với các cơ sở xả khí thải là 3.000.000 đồng/năm/đơn vị xả thải. Còn đối với phí biến đổi, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức phí biến đối từ 500-800 đồng/tấn đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường là bụi tổng, NOx, SOx và CO.
Về tác động đến ngân sách, Bộ Tài chính tính toán khoản thu mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu 1.200 tỉ đồng một năm. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải.
Hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
Cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Giới chuyên gia cho rằng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu bản chất khác hẳn với phí khí thải. Việc thu phí khí thải sẽ có tác động giúp cho người dân, doanh nghiệp hiện đại hóa máy móc, thiết bị để mức phí môi trường phải đóng thấp đi, từ đó giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường. Bên cạnh đó, việc thu phí khí thải cũng sẽ có những ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Đối với doanh nghiệp, phí khí thải sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhưng ảnh hưởng nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ xả thải.
Để thu được thuế, phí một cách hợp lý cần có thời gian cho người dân chuẩn bị và cơ quan quản lý đưa ra được mức thu phù hợp với thực tế. Quan trọng nhất là việc thu phí khí thải phải đảm bảo hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, từ đó mới có thể ra được quyết định và áp dụng vào thực tế cuộc sống.