Đề xuất Thủ tướng quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (sửa đổi), trong đó đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia (DTQG) đã xuất cấp.

Dự thảo Luật DTQG sửa đổi, đề xuất cần thiết phân cấp, thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG cho Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Luật DTQG sửa đổi, đề xuất cần thiết phân cấp, thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG cho Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, dự thảo Luật DTQG (sửa đổi) bổ sung quy định về thẩm quyền trong quyết định ngân sách trung ương mùa bù hàng DTQG.

Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất bỏ quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp; Bỏ quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn Thủ tướng Chính phủ trong quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Với nội dung trên, Bộ Tài chính đề xuất bỏ điểm b khoản 2 Điều 12; Bỏ điểm d khoản 1 Điều 13 Luật DTQG; Bổ sung điểm d khoản 2 Điều 13 Luật DTQG theo hướng bổ sung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ trong việc Quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn giải pháp này, vì Điều 12 Luật DTQG quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Quốc hội có nhiệm vụ, thẩm quyền quyết định mức phân bổ ngân sách trung ương cho DTQG hàng năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho DTQG hàng năm và quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Thực tế từ năm 2013 đến năm 2023, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Tuy nhiên, do quy trình trình cấp có thẩm quyền quyết định kinh phí mua mua bù hàng DTQG còn qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian (từ khi Chính phủ có văn bản trình đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết phê duyệt mất khoảng 2 tháng).

Trong khi đó, các mặt hàng DTQG mua bù thường theo thời vụ (như mặt hàng lương thực, hạt giống cây trồng), hoặc phải đặt hàng, nhập khẩu từ nước ngoài (các mặt hàng an ninh, quốc phòng; một số mặt hàng vật tư nông nghiệp), việc bổ sung kinh phí chưa được kịp thời dẫn tới công tác triển khai thực hiện còn kéo dài (hoặc lỡ thời vụ), không kịp thực hiện trong năm kế hoạch phải chuyển dự toán sang năm sau thực hiện.

Bên cạnh đó, thực tế trong nhiều năm qua, ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, việc quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương (đối với các khoản chi trên 3 tỷ đồng) do Thủ tướng Chính phủ Quyết định và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, việc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG là không cần thiết, không phù hợp với đặc thù của hoạt động DTQG.

Để cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính kịp thời cho hoạt động DTQG và thuận lợi trong thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật DTQG và pháp luật về ngân sách nhà nước, dự thảo Luật DTQG sửa đổi đề xuất cần thiết phân cấp, thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG cho Thủ tướng Chính phủ.

Việc quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định kinh phí mua bổ sung, mua bù hàng DTQG sẽ làm giảm bớt phát sinh về thủ tục hành chính cho các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét, trình phê duyệt bổ sung kinh phí mua bổ sung, mua bù hàng DTQG.

Văn Trường

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/de-xuat-thu-tuong-quyet-dinh-ngan-sach-trung-uong-mua-bu-hang-du-tru-quoc-gia-da-xuat-cap.html