Đề xuất thực hiện 4 nhóm cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch

Chiều 8-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ sáu, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày các tờ trình.

Bổ sung trang thiết bị y tế vào danh mục bình ổn giá

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.

Cụ thể là cho phép một số đối tượng được tham gia phòng, chống dịch khi dịch Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, như sinh viên, học sinh, đối tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người đã đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp.

Chính phủ kiến nghị trường hợp các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không thống kê được các dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh hoặc thống kê được các dịch vụ kỹ thuật nhưng không xác định được dịch vụ kỹ thuật đó được sử dụng để điều trị Covid-19 hay điều trị bệnh khác, ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh.

Bên cạnh đó, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do HĐND cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định.

Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí điều trị Covid-19 và các chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở thu dung, điều trị công lập; chi phí bảo đảm hoạt động tiêm chủng và xét nghiệm cho các đối tượng miễn phí theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm của cơ sở y tế công lập mà cơ sở đã ứng chi từ nguồn tài chính của đơn vị...

Chính phủ cũng đề nghị cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19, trong đó Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người bệnh.

Để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu cho mục đích khác để sản xuất thuốc phòng, điều trị Covid-19.

Bổ sung trang thiết bị y tế vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm bệnh.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ đề nghị cho phép hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ theo phát sinh trong thời gian Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc và được gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch. Thẩm quyền gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu thảo luận.

Cần quan tâm đến cán bộ y tế cơ sở

Thẩm tra các tờ trình nêu trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết; bên cạnh đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ trình những nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thảo luận về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu thực tế, bác sĩ không thể tách điều trị Covid-19 với điều trị bệnh nền, do đó việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ Bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 là hợp lý. “Ngành Y tế hiện tập trung rất lớn cho công tác phòng, chống dịch, do đó tôi kiến nghị cần quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế ở cơ sở khi thực tế hiện rất nhiều cán bộ y tế xã, phường xin thôi việc vì áp lực công việc quá lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều đáng mừng là giữa các cơ quan của Chính phủ đã có sự thống nhất cao trong xây dựng một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục rà soát phạm vi các chính sách cho đội ngũ y tế cơ sở; hướng dẫn cụ thể để khắc phục những khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc phòng, chống dịch hiện nay… “Chính phủ cũng lưu ý sau khi nghị quyết được ban hành là có văn bản hướng dẫn thi hành ngay để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị tách nội dung “cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” và “gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan” thành hai nghị quyết riêng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về việc sớm ban hành Nghị quyết thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ nghị quyết để Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chỉnh sửa để ban hành.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận.

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua việc ban hành Nghị quyết về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1019371/de-xuat-thuc-hien-4-nhom-co-che-chinh-sach-phuc-vu-cong-tac-phong-chong-dich