Đề xuất thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức PPP
Mới đây, Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ GTVT đề xuất thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư).
Theo đó, đây là lần đầu tiên Vingroup và Techcombank cùng xin đầu tư vào một dự án đường cao tốc. Liên danh này được đánh giá là có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và quản trị đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng mạnh nhất Việt Nam hiện nay, mở ra cơ hội rất lớn để sớm triển khai đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài nhất, nối Tây Nguyên với cửa ngõ vùng ĐNB.
Liên danh Vingroup-Techcombank đề xuất bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án không được phê duyệt, liên danh nhà thầu cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông theo phương thức PPP.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, SCIC không cho biết rõ là có bỏ kinh phí lập đề xuất dự án hay không, nhưng theo đánh giá của đơn vị này, việc lựa chọn hình thức nhà đầu tư tự đề xuất dự án có thể đẩy nhanh tiến độ bước chuẩn bị dự án do tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục bố trí nguồn vốn cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi. Nhà đầu tư đề xuất dự án có thể không trúng thầu trong bước đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện bước chuẩn bị dự án, sau khi cơ quan có thẩm quyền không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện Dự án thông qua đấu thầu rộng rãi, SCIC có thể tham gia đầu tư theo hình thức thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao bằng nguồn vốn do SCIC tự cân đối.
Để rút ngắn tiến độ triển khai nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, SCIC đề xuất Bộ GTVT thực hiện bước “Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án PPP” theo quy định tại Điều 25 - Nghị định 35/2021/NĐ-CP.
Trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì Bộ GTVT có thể trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 40 - Luật PPP (trên cơ sở thẩm định của Bộ KH&ĐT). Việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư có thể được thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư (ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt).
Được biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông - Bình Phước có tổng chiều dài 212 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km.
Dự án có quy mô đầu tư từ 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình qua địa bàn tỉnh Đắk Nông bị chia cắt, lưu lượng phương tiện chưa cao và khả năng cân đối vốn còn khó khăn, hai bên thống nhất đề xuất đoạn qua tỉnh Đắk Nông dự kiến đầu tư với quy mô 4 làn xe, trong đó nền đường rộng 24,75 m, mặt đường rộng 15m, dải phân cách 2,25, lề 7,5 m.
Hiện, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến, qua đó rút ngắn chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Bình Phước và giảm chi phí đầu tư cho đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Phước từ 14.067 tỉ đồng xuống còn 11.750 tỉ đồng.
Dự án khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đoạn từ Đắk Nông đi Bình Phước về TP.HCM, tạo bước đột phá trong việc phát triển KT - XH, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhất là phục vụ khai thác vận chuyển nông sản, thực phẩm, bô xít, phát triển du lịch địa phương và khu vực.
Thời gian qua, BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các nhà đầu tư đã đề xuất, cam kết sớm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh với số vốn rất lớn.
Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý đưa đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) vào kế hoạch đầu tư xây dựng, phấn đấu hoàn thành trước năm 2025. Hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã chủ động phối hợp làm việc với nhau để sớm hiện thực dự án.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'lấp) trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, hầu hết các ý kiến cử tri thị trấn Kiến Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần làm sớm, làm nhanh công tác quy hoạch để phát huy nguồn lực đất đai. Theo cử tri, chỉ khi có quy hoạch đất đai rõ ràng thì mới có quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, người dân cũng có cơ sở để phát huy tiềm năng đất đai.
Ngày 31/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy Bình Phước về đề nghị sớm chấp thuận chủ trương hoàn tất bước chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư để sớm triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.