Đề xuất trích 85% tiền xử phạt giao thông cho Bộ Công an

Sau khi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất trích 85% tiền xử phạt giao thông và 30% tiền đấu giá biển số xe cho Bộ Công an.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đầu kỳ họp thứ 7 đề xuất trích tiền xử phạt giao thông cho lực lượng CSGT. Tuy nhiên, dự luật không quy định mức trích bao nhiêu %, điều này khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Trích bao nhiêu cần ghi rõ trong dự luật

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đồng tình với quy định trích tiền xử phạt cho lực lượng công an, nhưng trích bao nhiêu thì phải quy định rõ, không nói chung chung.

Ông Hòa cho hay, trước đây dự thảo có đề nghị bổ sung thêm là trích 70% cho lực lượng CSGT. Sau đó, báo chí phản ánh, dự luật không còn mức cụ thể này nữa, giờ sửa lại là trích một phần để lực lượng CSGT bổ sung trang thiết bị làm nhiệm vụ.

“Tôi đồng tình nhưng phải có mức cụ thể là bao nhiêu phần %, chứ nói một phần, một phần này là bao nhiêu nó không hợp lý”- ông Hòa nhấn mạnh.

 Những năm qua lực lượng CSGT đều được trích tiền xử phạt giao thông. Ảnh: P.HÙNG

Những năm qua lực lượng CSGT đều được trích tiền xử phạt giao thông. Ảnh: P.HÙNG

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan soạn thảo vừa đề xuất chỉnh lý dự luật theo hướng: Bố trí tương ứng 100% kinh phí từ nguồn thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nộp vào ngân sách nhà nước năm trước để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực giao thông. Trong đó, trích 85% cho Bộ Công an; 15% bổ sung có mục tiêu cho các địa phương.

Thêm vào đó, bố trí tương ứng 30% số thu tiền từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho Bộ Công an để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực giao thông. Việc Quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Như vậy, so với dự luật trước, dự luật chỉnh lý lần này đã nói rõ tỉ lệ trích, nhưng không đề cập cụ thể là trích cho lực lượng CSGT như lần trình trước mà ghi chung chung "trích cho Bộ Công an".

Các năm nhận tiền trích thuận lợi, năm 2024 lại gặp khó khăn

Cơ sở để đưa ra đề xuất trên được Bộ Công an lý giải là do hiện nay ngành công an đang triển khai Nghị quyết 12/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, trong đó có lực lượng CSGT.

Theo đó, giai đoạn 2018 – 2020, việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính cho Bộ Công an được tính theo tỉ lệ là 30%, còn 70% bổ sung có mục tiêu cho các địa phương (trong đó phân bổ lại cho lực lượng Công an là 70% và các lực lượng khác là 30%).

Năm 2023, Nhà nước giao tập trung, trực tiếp về Bộ Công an là 79%, tương đương với mức hưởng như các năm trước.

Năm 2024, căn cứ nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang bị hiện đại hóa cho lực lượng CSGT, Bộ Công an được giao kinh phí tương ứng với tỉ lệ 85% số thu để thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, do chưa rõ văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư, nên đến nay nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 vẫn chưa được cấp.

“Với khó khăn trên, hiện Bộ Công an chưa triển khai đồng bộ được các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…”- cơ quan soạn thảo cho hay.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về hiện đại hóa lực lượng CSGT đến năm 2030, Bộ Công an cần phải được ưu tiên nguồn kinh phí để triển khai thực hiện nhiều dự án. Chẳng hạn như đầu tư lắp đặt camera; xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera; xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1; trên các tuyến đường cao tốc mới đưa vào sử dụng…

Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe không phải là kinh phí thường xuyên. Số tiền thực tế thu được từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Như vậy, đây là khoản tiền không mang tính ổn định, không được dự toán như kinh phí thường xuyên.

Với lý giải như vậy, cơ quan soạn thảo khẳng định đề xuất nêu trên không “đá” nhau với Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024…

Quy định trích tiền đấu giá biển số xe đã rõ

Trước đề xuất trên, trong dự thảo báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quy định hiện hành Bộ công an phải lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính; căn cứ vào số thu xử phạt hành chính của năm trước liền kề do Kho bạc Nhà nước Trung ương cung cấp, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt cấp dự toán kinh phí xử phạt hành chính cho Bộ Công an. Tỉ lệ trích gần nhất năm 2023 là 79%.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định quá trình thực hiện trên còn có khó khăn. Nguyên nhân chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể thể hiện việc trích lại nguồn kinh phí xử phạt vi phạm giao thông, dẫn đến nguồn kinh phí để triển khai các đề án, dự án phục vụ hiện đại hóa lực lượng CSGT, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hạn chế.

Còn tiền trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội đã cho phép Bộ Công an trích lại 30% trong nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe nên việc quy định trong dự luật này chỉ mang tính thống nhất về cơ sở pháp lý.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại quy định đề xuất của Chính phủ.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng quy định trên đưa thẳng vào dự luật là “cách làm luật thiếu tinh tế”, bởi người dân sẽ cảm nhận công an xử phạt “để được trích tiền”, vô tình tạo ra điều tiếng không hay. Vì vậy, ông Thủy đề nghị không đưa quy định này vào luật.

Để đầu tư phương tiện hay đảm bảo đời sống tốt cho lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường, vị chuyên gia cho rằng trước mắt CSGT nên làm nghiêm công tác xử phạt các vi phạm giao thông.

Nếu làm tốt, Bộ Công an có thể đề xuất với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ thưởng hoặc bổ sung thêm ngân sách để lực lượng này đầu tư thêm thiết bị đảm bảo tốt hoạt động an toàn giao thông.

PHÚ PHONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-trich-85-tien-xu-phat-giao-thong-cho-bo-cong-an-post796587.html