Đề xuất trợ cấp 1.000 USD cho người mua xe ô tô điện
Bộ GTVT đề xuất trợ cấp cho người dân khoảng 1.000 USD/xe khi mua ô tô điện, nhằm thúc đẩy hành vi tiêu dùng từ ô tô chạy xăng, dầu sang xe chạy điện trên cả nước.
Việt Nam có gần 13.000 xe ô tô điện trên cả nước
Theo Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), giai đoạn 2018 - 2021, cả nước chỉ có 167 xe ô tô điện được cấp giấy chứng nhận, thì tới tháng 7/2023, con số này lên gần 12.600 xe.
Tuy nhiên, các loại xe ô tô điện ở Việt Nam chủ yếu vẫn là xe con và xe buýt thành phố. Hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện là VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup và Công ty CP Ô tô TMT.
Cùng với đó, Tập đoàn Thành Công và Công ty CP Ô tô Trường Hải cũng giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước.
Một số thương hiệu như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng bắt đầu cung cấp các mẫu xe điện tại Việt Nam, nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, Việt Nam sẽ sớm đạt mức 1 triệu xe ô tô điện vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện có thể lên tới 3,5 triệu chiếc.
Để hiện thực hóa được mục tiêu 1 triệu xe ô tô điện không chỉ có sự nỗ lực từ phía các nhà sản xuất, mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhằm xóa bỏ các rào cản kỹ thuật với ngành xe điện.
Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. Trong đó có cả hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cũng như cơ chế ưu đãi cho người sử dụng.
Ưu tiên doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị 3 loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi gồm: xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời.
Đối với xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển xe ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan; xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Cùng với bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện; miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền và nhập khẩu tổng thành, linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng xe ô tô điện, bộ đề xuất có cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính, tín dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi thuế xe ô tô điện nhập khẩu.
Người dân được hưởng lợi
Về cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện.
Bộ đề xuất trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ ô tô chạy xăng, dầu sang xe điện khoảng 1.000 USD/xe.
Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công. Tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị, ưu tiên đỗ xe, giờ cao điểm.
Đối với phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ sẽ ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế; quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.
Cùng với đó, cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng…