Đề xuất về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Dự thảo nêu rõ về cơ cấu của Hội đồng quản lý. Theo đó, Hội đồng quản lý có chủ tịch, thư ký và các thành viên khác gồm có:
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục (nếu có);
Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập (đại diện của Bộ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ);
Đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý;
Đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý;
Đại diện viên chức, người lao động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại diện các chuyên gia, nhà quản lý am hiểu về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Hội đồng quản lý có từ 05 đến 11 thành viên; Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.
Số lượng thành viên Hội đồng quản lý khi thành lập phải là số lẻ theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên khác của Hội đồng quản lý.
Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý
Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn gồm: Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Thông tư này;
Tổ chức việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm,
hàng quý của Hội đồng quản lý; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;
Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý; chỉ đạo chuẩn bị các chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý;
Ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng quản lý;
Phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản lý.
Hội đồng quản lý làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số
Theo dự thảo, Hội đồng quản lý làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Hình thức biểu quyết được quy định cụ thể trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
Hội đồng quản lý tổ chức cuộc họp theo yêu cầu công việc của Hội đồng quản lý và được xác định trong quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có trên 2/3 số thành viên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc 01 thành viên Hội đồng quản lý được phân công hoặc ủy quyền chủ trì cuộc họp.
Định kỳ 03 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu, Chủ tịch Hội đồng quản lý báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.