Đề xuất vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non
Toàn thành phố có 619 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, chiếm gần 54% tổng số trường.
Ngày 23-4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31-12-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Toàn thành phố có 619 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, chiếm gần 54% tổng số trường. Có khoảng 90.000 trẻ em mẫu giáo tham gia hoạt động làm quen với tiếng Anh, chiếm 21,8%.
Chương trình làm quen với tiếng Anh tại các trường mầm non được tổ chức theo 2 mô hình: Thứ nhất, hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh (các trường này có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, song không có giáo viên dạy tiếng Anh); thứ hai, các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo tinh thần tự nguyện, chất lượng hoạt động được duy trì hiệu quả, giúp trẻ thêm mạnh dạn, tự tin, yêu thích tiếng Anh. Qua 3 năm triển khai, chương trình cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.
100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh có phòng ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị dạy và học hiện đại; bảo đảm số trẻ từ 20 đến 25 trẻ/1 lớp học (giảm 10 trẻ/1 lớp theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT); thời lượng tổ chức từ 2 buổi đến 5 buổi/tuần; mỗi buổi từ 20-30 phút, tùy theo độ tuổi.
Tại hội nghị, các ý kiến nêu rõ một số khó khăn khi triển khai chương trình như: Số lượng cán bộ, chuyên viên phụ trách cấp học mầm non tại các phòng giáo dục và đào tạo còn thiếu nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh còn khó khăn; số lượng trẻ em mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, các trường mầm non công lập khu vực ngoại thành tham gia hoạt động làm quen với tiếng Anh còn thấp...
Trong quá trình triển khai chương trình cho trẻ em làm quen với tiếng Anh, các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố còn gặp khó khăn trong việc bố trí đội ngũ giáo viên, do hiện chưa có quy định vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh trong trường công lập; số lượng giáo viên nước ngoài thường không ổn định.
Tại hội nghị, ý kiến của các nhà trường có chung đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ phê duyệt vị trí việc làm cho giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ tại các trường mầm non công lập; giảm áp lực về thời gian làm việc của giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tham quan kiến tập về hoạt động cho trẻ em làm quen với tiếng Anh tại các trường học trên cả nước...