Đề xuất xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội
Hiện nay, xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu dựa vào nguồn vốn tư nhân. Sở Xây dựng TP HCM đề xuất nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm để tạo suất vốn xây nhà ở xã hội.
Ngày 25-10, HĐND TP HCM giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2016-2025 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính và Cục Thuế TP.
Tại đây, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng quản lý nhà ở và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP HCM, nêu hàng loạt vướng mắc khi thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định được quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể xây dựng.
Thành phố chưa bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... làm ảnh hưởng đến sự chủ động chuẩn bị quỹ đất để thực hiện chương trình nhà ở xã hội mang tính chất dài hạn, căn cơ.
Để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, ông Phạm Đăng Hồ cho rằng cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư. Khi lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 có quy hoạch nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Việc này nhằm tạo thuận lợi hơn cho các khâu đầu tư nhà ở xã hội về sau.
Vấn đề quan trọng nữa là ghi vốn đầu tư công để thực hiện dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để sử dụng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Sở Xây dựng đề xuất nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ chính đối tượng có nhu cầu.
Ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, ủng hộ việc thành lập quỹ tiết kiệm này. Theo ông, cái khó nhất của đầu tư công được chỉ ra là xài tiền và dẫn chứng khu đất sạch ở phường Hiệp Thành, quận 12 vẫn đang chờ đợi nguồn vốn đầu tư công để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, trong thông báo hồi tháng 4-2022 Chủ tịch UBND TP HCM đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế TP HCM thống kê, tổng hợp số liệu về nguồn tiền thu được từ việc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, sốt ruột vì đến nay vẫn chưa có thông báo về việc tách số tiền sử dụng đất tương đương giá trị quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại để có nguồn vốn thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Theo ông Thanh, khu đất tại phường Hiệp Thành, quận 12 đã làm xong hạ tầng rồi nhưng vẫn chờ vốn. Trong khi đó, việc xác định số tiền để lập dự toán xây nhà ở xã hội từ nguồn vốn thu được từ các dự án thương mại thì một số đơn vị lại đùn đẩy trách nhiệm.
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, cho rằng trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Trong đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị khác cùng thực hiện nhiệm vụ. Bà Vân đề nghị các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh và nhìn nhận trách nhiệm để thời gian tới phối hợp tốt hơn.
Cụ thể là chưa xác định số tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại thuộc diện thực hiện nghĩa vụ tài chính. Từ đó, bố trí nguồn vốn bố trí xây dựng nhà ở xã hội trên các khu đất công, đất sạch.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TPH CM đề nghị Sở Xây dựng rà soát khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là dự án chưa triển khai, chậm triển khai để đánh giá cụ và đôn đốc, theo dõi tiến độ, đề xuất thực hiện.
Sở Tài nguyên – Môi trường rà soát đất đai có nguồn gốc đất công đối với 12 dự án để trình Ban chỉ đạo 167 để sắp xếp, xử lý các khu đất thuộc nhà nước quản lý.
"Đồng thời, rà soát các khu đất chậm đưa vào sử dụng, xử lý như thế nào để triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Có những dự án giao đất từ năm 2003, 2005 nhưng đến nay chưa thực hiện cũng đề nghị tham mưu và đề xuất xử lý" – bà Vân nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố xây dựng và đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với quy mô 14.954 căn hộ, đạt 77% kế hoạch; hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 nhà lưu trú công nhân, quy mô 1.499 phòng.
Từ năm 2021 đến hết quý II/2023, thành phố có 2 dự án được đưa vào sử dụng với quy mô 623 căn; 7 dự án nhà ở xã hội và lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn; 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Theo chương trình phát triển nhà ở của TP HCM thì giai đoạn 2021-2025 chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 35.000 căn.