Để y tế cơ sở là nền tảng

Hệ thống y tế tuyến trên, y tế tư nhân phát triển với nhiều dịch vụ kỹ thuật cao và chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khiến y tế cơ sở tuyến xã dần thất thế. Dịch Covid-19 càng khiến mạng lưới y tế cơ sở tuyến xã bộc lộ nhiều điểm yếu và bất cập. Nhìn nhận đúng vai trò của y tế cơ sở, củng cố lại hệ thống y tế gần dân nhất này là việc làm cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực y tế dự phòng và chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe toàn diện của Nhân dân.

Bài 1: Áp lực cơ sở y tế tuyến xã

Một ngày của cán bộ trạm y tế

Một ngày có 24 giờ. Nhưng với cán bộ trạm y tế (TYT) phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện tại địa phương thì một ngày chỉ kết thúc khi đã giải quyết xong công việc. Mà công việc thì nối tiếp công việc. Những hoạt động rà soát, điều tra, truy vết của lực lượng chức năng diễn ra suốt ngày đêm. Cán bộ TYT phường Nhân Hòa tranh thủ từng phút để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 các trường hợp liên quan đến F0. Người nhập dữ liệu, làm báo cáo, người trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch. TYT chưa khi nào tắt điện trong suốt những ngày dịch xuất hiện trên địa bàn; 100% quân số có mặt 24/24h, tất cả chạy đua với thời gian để kiểm soát sớm nhất ổ dịch. Lúc đó, trong cái nắng hầm hập của mùa hè, khoác trên mình bộ bảo hộ phòng dịch, nhân viên y tế phải đeo túi đá lạnh bên trong làm mát cơ thể để công việc không bị gián đoạn. Nhân viên y tế cùng lực lượng chức năng hai buổi sáng, chiều đi từng ngõ ngách theo dõi, giám sát, kiểm tra y tế những người cách ly tại nhà. Bữa ăn là lúc tranh thủ khi vừa tạm xử lý xong công việc, có khi vừa mở hộp cơm ra thì lại đậy lại vì có điện thoại báo về F1, F2. Cán bộ, nhân viên y tế phải tranh thủ chút thời gian ít ỏi để chợp mắt…

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ)

Đầu tháng 5.2021, sau khi phát hiện 8 F0 ở tổ dân phố Nguyễn Xá, thị xã Mỹ Hào ban hành quyết định khoanh vùng cách ly phòng, chống dịch Covid-19 toàn bộ tổ dân phố Nguyễn Xá với trên 3 nghìn dân. TYT phường nằm trong khu cách ly. Cán bộ, nhân viên TYT vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa tổ chức khám, chữa bệnh thông thường cho người dân trong khu cách ly, thực hiện khám, cấp thuốc cho người bị bệnh mãn tính không lây nhiễm, người bị bệnh tâm thần, người đang điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone, điều trị HIV… “Sau gần 1 tháng, tổ dân phố Nguyễn Xá được gỡ bỏ khoanh vùng cách ly y tế, nhưng TYT phường vẫn bảo đảm trực 24/24h trong ngày bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp” – bác sỹ Đào Anh Khiêm, Trạm trưởng TYT phường Nhân Hòa chia sẻ.

Căng mình chống dịch

TYT xã Lạc Hồng (Văn Lâm) có 10 cán bộ, nhân viên. Mặc dù trên địa bàn xã xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại Công ty TNHH may KIDO, nhưng TYT xã vẫn phải san sẻ nhân lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Một nhân viên của TYT tăng cường cho Trung tâm y tế huyện, một nhân viên làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung của huyện, một nhân viên tăng cường cho TYT xã Đình Dù (Văn Lâm). Số cán bộ, nhân viên còn lại vừa khám, chữa bệnh và triển khai các chương trình mục tiêu y tế, vừa triển khai công tác phòng, chống dịch tại ổ dịch trên địa bàn, phối hợp điều tra dịch tễ, hướng dẫn phun khử khuẩn, thực hiện cách ly y tế tại chỗ; điều tra, truy vết, tiếp nhận khai báo y tế tại trạm, hướng dẫn, giám sát thực hiện cách ly y tế tại nhà, lấy mẫu test Covid-19... Những ngày chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diễn ra từ sáng đến đêm. Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng, Trạm trưởng TYT xã Lạc Hồng cho biết, là địa phương có nhiều công nhân lao động cư trú, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều lao động trở lại địa phương làm việc từ các tỉnh, thành phố khác, cán bộ, nhân viên TYT xã chỉ tập trung tiếp nhận khai báo y tế cũng hết thời gian từ 7h đến 22h. Vì phải tập trung nhân lực phòng, chống dịch Covid-19, nên mặc dù có kế hoạch thực hiện khám, chữa bệnh BHYT nhưng TYT chưa thể triển khai.

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. 100% số TYT đều trực 24/24h, tăng giờ làm. Nhiều F1 đã cách ly tại nhà. Ngành y tế cũng đã xây dựng phương án cách ly, điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà, càng áp lực lên đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Các địa phương có phương án thành lập TYT xã lưu động. Do nhân lực thiếu khiến việc bố trí người tham gia rất khó khăn. Bác sỹ Trần Văn Bích, Trạm trưởng TYT xã Minh Phượng (Tiên Lữ) cho biết: TYT xã có 6 cán bộ, nhân viên. Hiện tại, 2 nhân viên nghỉ thai sản, 1 nhân viên làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung của huyện. Trạm còn lại 3 người nhưng lại được bố trí tham gia TYT lưu động. Bác sỹ Bích cho biết thêm, đôi lúc trang thiết bị phòng, chống dịch chưa được trang bị đầy đủ kịp thời, cán bộ, nhân viên TYT xã phải khắc phục bằng cách mặc áo mưa thay bảo hộ phòng, chống dịch, hoặc chủ động ứng tiền cá nhân mua bổ sung bình ô-xy, thuốc chống sốc bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân…

Bài 2: Trạm y tế tuyến xã: Gần mà xa

Bài 3: Phát huy hiệu quả vai trò của y tế cơ sở

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202201/de-y-te-co-so-la-nen-tang-5670641/