Deepfake đang làm gia tăng vấn nạn video và quảng cáo giả tạo

Ngày càng có nhiều deepfake cũng như các định dạng thông tin khác do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra đang lan truyền trực tuyến. Hiện, những kẻ lừa đảo đã nhanh chóng ứng dụng các công cụ mới để tạo ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi hơn.

Hiện đang có sự gia tăng nhanh chóng của các video lừa đảo quảng cáo các cơ hội đầu tư trên toàn thế giới. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các quảng cáo lồng ghép giả tạo hình ảnh của những người nổi tiếng để hút sự chú ý, nhằm phục vụ cho các ý đồ xấu.

 Một video deepfake giả mạo cuộc phỏng vấn với Elon Musk. Ảnh: CNA

Một video deepfake giả mạo cuộc phỏng vấn với Elon Musk. Ảnh: CNA

Trong một bài báo gần đây, hãng tin CNA của Singapore cho thấy những kẻ lừa đảo đã làm giả một video về việc phát thanh viên Loke Wei Sue của hãng tin này "phỏng vấn" với CEO Elon Musk của Tesla. Các hình ảnh của phóng viên và ông Musk hoàn toàn giả tạo, khi đều bị cắt ghép và lồng tiếng.

Video deepfake đang được chạy dưới dạng quảng cáo trên YouTube. Khi được hỏi về video giả tạo về "cuộc phỏng vấn" này, một phát ngôn viên của YouTube cho biết nền tảng này có các nguyên tắc cộng đồng, nêu rõ các loại nội dung không được phép, bao gồm các chính sách rõ ràng về thông tin sai lệch và spam, các hành vi lừa đảo và lừa đảo.

“Chúng tôi hiện đang xem xét vấn đề và sẽ hành động đối với nội dung vi phạm các chính sách này”, người phát ngôn nói thêm.

Chất lượng của các video deepfake có xu hướng kém hơn bình thường để che dấu các dấu hiệu thao túng. Giám đốc của Trend Micro tại Singapore, ông David Ng nói rằng người xem nên chú ý đến những điểm bất thường trong hình ảnh và âm thanh. Điều này có thể bao gồm các cử động khuôn mặt không điển hình hoặc các kiểu chớp mắt và các chỉnh sửa đáng chú ý xung quanh khuôn mặt.

Người xem cũng nên nhìn kỹ để xem âm thanh có khớp với chuyển động của môi hay không. Phó giáo sư Terence Sim của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhấn mạnh âm thanh không nhất quán là dấu hiệu nhận biết video bị thao túng, đồng thời lưu ý đến sự thay đổi giọng nói đối với âm thanh.

PGS Sim cho biết các dấu hiệu nhận biết video deepfake thường thuộc ba loại: Các dấu hiệu vật lý, đặc điểm ngôn ngữ và nội dung.

Ông cho biết, các dấu hiệu vật lý có thể bao gồm các khiếm khuyết về hình ảnh hoặc trục trặc trong video. Đối với các đặc điểm ngôn ngữ, ông trích dẫn ví dụ về việc trong video nêu trên, tỷ phú Musk rời mắt khỏi máy quay và có biểu hiện liệt kê thông tin thay vì nghĩ về một câu trả lời như người bình thường sẽ làm.

Ngoài ra, một đặc điểm khác là ngôn từ của ông Musk. Tại một thời điểm trong video, ông Musk nói mình "đang làm việc cho công ty này". PGS Sim lưu ý “bạn không nói điều này nếu bạn là chủ sở hữu” của doanh nghiệp.

Vậy bạn nên làm gì khi gặp một video deepfake hoặc đáng ngờ? Bạn nên báo cáo nó với nền tảng đó.

YouTube cho biết họ dựa vào sự kết hợp giữa con người và công nghệ để thực thi các nguyên tắc cộng đồng của mình. “Cộng đồng YouTube đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn cờ nội dung mà họ cho là không phù hợp", tuyên bố nói.

Hoàng Tôn (theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/deepfake-dang-lam-gia-tang-van-nan-video-va-quang-cao-gia-tao-post257844.html