Deepfake đe dọa bầu cử Ấn Độ
Trong một số video giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội, 2 diễn viên hạng A của Bollywood chỉ trích Thủ tướng Narendra Modi và kêu gọi người dân bỏ phiếu cho đảng Quốc đại trong cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra.
Trong video dài 30 giây của Aamir Khan và video dài 41 giây của Ranveer Singh, hai diễn viên cho rằng ông Modi không giữ những lời đã hứa lúc tranh cử và không giải quyết được các vấn đề kinh tế quan trọng trong 2 nhiệm kỳ thủ tướng.
Cả hai video được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) này kết thúc bằng biểu tượng tranh cử của đảng Quốc đại và khẩu hiệu: “Bỏ phiếu cho công lý, bỏ phiếu cho đảng Quốc đại”.
Hai video đã được hơn nửa triệu lượt xem trên mạng xã hội từ khi được đưa lên tuần trước.
Điều này cho thấy tác động tiềm tàng của những sản phẩm nội dung do AI tạo ra trong một cuộc bầu cử quy mô cực kỳ lớn ở Ấn Độ, bắt đầu hôm 19/4 và kéo dài cho đến tận tháng 6.
Công nghệ làm giả bằng AI, còn gọi là deepfake, đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong các cuộc bầu cử trên thế giới, bao gồm ở Mỹ, Pakistan và Indonesia.
Vận động bầu cử ở Ấn Độ lâu nay thường sử dụng cách đến từng nhà vận động hoặc tổ chức diễn thuyết công khai, nhưng WhatsApp và Facebook trở thành công cụ vận động tranh cử phố biến từ năm 2019. Cuộc bầu cử năm nay là dịp đầu tiên sử dụng AI.
Sujata Paul, phát ngôn viên của đảng Quốc đại, chia sẻ video của diễn viên Singh với 16.000 người theo dõi cô trên mạng xã hội X hôm 17/4, sau đó video được những người theo dõi chia sẻ 2.900 lần, được thích 8.700 lần và được xem 438.000 lượt.
Paul nói với Reuters rằng video này đã bị mạng xã hội X đánh dấu là “nội dung thao túng”, nhưng cô không muốn xóa, vì thấy người trong đó giống Singh và video “rất sáng tạo”.
Video này không còn hiển thị trên mạng X từ ngày 21/4.
Cả hai diễn viên Aamir Khan và Ranveer Singh đều khẳng định video là giả. Facebook, X và ít nhất 8 trang web kiểm chứng thông tin cho biết các video này bị chỉnh sửa hoặc thao túng.
Làm bố “sống lại”
Gần 900 triệu người dân Ấn Độ có thể tiếp cận internet. Một cuộc khảo sát do Esya Centre và Viện Ấn Độ thuộc Trường Quản trị kinh doanh thực hiện cho thấy người Ấn Độ dành trung bình 3 giờ đồng hồ mỗi ngày cho mạng xã hội. Quốc gia này có gần 1 tỷ cử tri.
Một số phiên bản video đã bị chặn trên mạng xã hội, nhưng ít nhất 14 video tương tự vẫn hiển thị trên mạng X tính đến cuối tuần qua.
Cảnh sát đã vào cuộc điều tra. Aamir Khan báo cảnh sát ở Mumbai để yêu cầu điều tra những người tạo video giả.
Trong cuộc bầu cử năm nay, các chính trị gia Ấn Độ còn sử dụng AI theo một số cách khác.
Ở miền nam đất nước, phát ngôn viên của lãnh đạo đảng Quốc đại Vijay Vasanth cho biết, nhóm của ông đã tạo đoạn clip dài 2 phút bằng AI để đăng lên nhiều mạng xã hội, trong đó tái hiện hình ảnh cha ông – chính trị gia được nhiều người yêu mến H. Vasanthakumar – đang bỏ phiếu cho ông.
Trong video, chính trị gia quá cố nói rằng “dù cơ thể cha đã đi xa, nhưng linh hồn cha vẫn ở quanh đây”.
Trong các video của đảng Cộng sản Ấn Độ đăng lên YouTube, Samata, một người dẫn được tạo ra bằng AI, mặc trang phục saree truyền thống chỉ trích đảng cầm quyền ở bang Tây Bengal.
Trong 1 clip, Samata cáo buộc đảng cầm quyền không quan tâm đến môi trường, khiến nhiều sông hồ biến mất vì xây dựng trái phép.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/deepfake-de-doa-bau-cu-an-do-post1630995.tpo