Deepfake - Mối đe dọa công nghệ đang lan rộng tại Đông Nam Á
Deepfake không chỉ là vấn đề công nghệ – đó là thách thức xã hội, kinh tế và an ninh trong kỷ nguyên số.
Khi làn sóng chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, thì những rủi ro công nghệ cũng theo đó gia tăng. Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất hiện nay chính là deepfake – công nghệ giả mạo hình ảnh, âm thanh và video ngày càng tinh vi, đang bị khai thác để phục vụ cho các hành vi lừa đảo và tội phạm mạng. Việt Nam đang nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực.

Deepfake bùng nổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, công nghệ deepfake đang trở thành một mối đe dọa đáng lo ngại đối với an ninh mạng, quyền riêng tư và niềm tin xã hội. Báo cáo mới nhất của Global Initiative năm 2024 cho thấy, khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về các vụ việc liên quan đến deepfake, chỉ đứng sau Bắc Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng 25,3% các vụ gian lận deepfake, theo sau là Nhật Bản với 23,4%.

Deepfake – Từ công nghệ sáng tạo đến công cụ lừa đảo
Deepfake là kỹ thuật ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo với độ chân thực cao. Dù mang lại nhiều ứng dụng sáng tạo, công nghệ này đang bị lạm dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, mạo danh, tống tiền và phát tán thông tin sai lệch. Chỉ riêng trong năm 2023, số lượng video và âm thanh deepfake toàn cầu đã tăng gấp ba lần, với giả mạo giọng nói tăng gấp tám lần so với năm 2022, theo DeepMedia.

Việt Nam trở thành “điểm nóng” của các vụ lừa đảo deepfake
Tại Việt Nam, deepfake đang được các nhóm tội phạm mạng sử dụng để mạo danh người thân thông qua các cuộc gọi video, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, dựng lên các kịch bản khẩn cấp để lừa đảo chuyển tiền. Một số trường hợp còn sử dụng hình ảnh nhạy cảm đã bị chỉnh sửa để đe dọa nạn nhân chuyển tiền, nếu không sẽ bị phát tán lên mạng xã hội.
Cảnh báo từ Cục An toàn thông tin: Cần nâng cao cảnh giác
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dùng cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng hay mã OTP qua mạng xã hội. Các công cụ AI như Intel FakeCatcher hay Microsoft Video Authenticator có thể hỗ trợ người dùng nhận diện deepfake thông qua các dấu hiệu bất thường trong chuyển động khuôn mặt, giọng nói hay lưu lượng máu dưới da.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Các đối tượng sử dụng công nghệ AI, Deefake, cho phép sử dụng một vài hình ảnh cá nhân có uy tín hoặc cá nhân khác trên không gian mạng, tạo ra những clip có hình ảnh cá nhân đó. Những video có hình ảnh nhạy cảm gửi cho nạn nhân và người nhà hoặc người thân quen, yêu cầu chuyển tiền. Đề nghị người dân khi gặp tình huống này, tuyệt đối không được chuyển tiền khi bị đe dọa. Nếu phát hiện bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân hãy trình báo cơ quan công an nơi gần nhất".
Thách thức với chuyển đổi số và niềm tin người dùng
Sự bùng nổ của công nghệ deepfake đặt ra thách thức lớn với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và khu vực. Báo cáo “Nền kinh tế di động Châu Á - Thái Bình Dương và Các quốc gia số” của GSMA cho thấy, 74% người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử, nhưng có tới 95% lo ngại về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng, và 89% sợ bị xâm nhập tài khoản. Đáng chú ý, 78% người tiêu dùng lo ngại về các hình thức đánh tráo SIM - một thủ đoạn tinh vi khác trong chuỗi lừa đảo kỹ thuật số.

Các đề xuất giải pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh Số GSMA
Hội nghị Thượng đỉnh Số GSMA ngày 15/4 tại Hà Nội đã thảo luận về những giải pháp đối phó với các thách thức trên. Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA, nhấn mạnh: “Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định trong hành trình số hóa. Tuy cơ hội tăng trưởng là rất lớn, nhưng mối đe dọa liên quan đến danh tính và lừa đảo cũng ngày một nghiêm trọng”.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm xác minh giao dịch theo thời gian thực, xác thực đa yếu tố, Silent OTP, và tăng cường hợp tác giữa các nhà mạng, ngân hàng và công ty công nghệ tài chính. Cùng với đó, việc đầu tư vào hạ tầng viễn thông và phát triển hệ sinh thái bảo mật dữ liệu là điều kiện tiên quyết.

Hạ tầng số và vai trò của các nhà mạng Việt Nam
Tại Việt Nam, Viettel hiện là một trong số ít nhà mạng có khả năng triển khai toàn diện hệ sinh thái 5G tự chủ. Ông Nguyễn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết, mục tiêu đến năm 2026 sẽ phủ sóng 5G tương đương với mức độ phủ sóng 4G hiện nay, bao gồm cả vùng nông thôn với thiết bị Massive MIMO hiện đại. Điều này nhằm thu hẹp khoảng cách số, hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030.

Đông Nam Á đồng loạt hành động chống lại deepfake
Trước thực tế phức tạp của deepfake, các quốc gia Đông Nam Á đang tích cực hành động. Các chính phủ ASEAN đã ban hành các quy định pháp luật để chống lại deepfake và các mối đe dọa trực tuyến khác. Ví dụ, Singapore đã thông qua Đạo luật về tác hại của tội phạm trực tuyến (OCHA) và Đạo luật an ninh mạng. Trong khi đó, Philippines thành lập Cơ quan ứng phó khẩn cấp máy tính quốc gia để xử lý các sự cố kỹ thuật số, còn Indonesia có Cơ quan an ninh mạng và tiền điện tử quốc gia (BSSN).
Giải pháp dài hạn: Phối hợp đa ngành và giáo dục nhận thức số
Giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống deepfake đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân. Tăng cường giáo dục nhận thức số, phát triển công nghệ phát hiện deepfake theo thời gian thực, triển khai blockchain và các công cụ xác thực nội dung là những hướng đi cần thiết để bảo vệ không gian mạng và duy trì lòng tin xã hội trong kỷ nguyên số.