DeepSeek củng cố niềm tin của các nhà đầu tư giàu có ở Trung Quốc vào cổ phiếu công nghệ

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc đã thuyết phục các nhà đầu tư nước này rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng, theo bà Judy Hsu - Giám đốc điều hành mảng quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ của Standard Chartered.

Standard Chartered là ngân hàng quốc tế có trụ sở tại London (thủ đô Anh), hoạt động chủ yếu tại các thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông. Standard Chartered cung cấp các dịch vụ tài chính như ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và quản lý tài sản.

Theo bà Judy Hsu, đợt điều chỉnhi cổ phiếu công nghệ gần đây khó có thể làm giảm sự quan tâm mua vào từ các nhà đầu tư Trung Quốc do họ tin tưởng vào triển vọng dài hạn của các công ty và tầm nhìn của Bắc Kinh với lĩnh vực này.

Bà Judy Hsu cho biết các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao tại Trung Quốc đại lục vẫn có niềm tin vào tiềm năng của các hãng công nghệ, từ các công ty khởi nghiệp AI đến nhà xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bất chấp những lo ngại về định giá cao của nhóm cổ phiếu này.

"Bùng nổ AI tại Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Những nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận dài hạn tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng", Judy Hsu bình luận.

Theo bà Judy Hsu, sự bùng nổ của AI tại Trung Quốc thuyết phục các nhà đầu tư nước này rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng - Ảnh: VVS

Theo bà Judy Hsu, sự bùng nổ của AI tại Trung Quốc thuyết phục các nhà đầu tư nước này rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng - Ảnh: VVS

Bà đề cập đến sự trỗi dậy của DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc thúc đẩy làn sóng tăng giá cổ phiếu công nghệ trên sàn chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục từ cuối tháng 1, trước khi áp lực chốt lời xuất hiện vào tuần trước.

DeepSeek đã ra mắt hai mô hình AI nguồn mở V3 và R1 với chi phí và mức tiêu thụ điện toán chỉ bằng một phần nhỏ so với các công ty nước ngoài. Hiệu suất của hai mô hình này được đánh giá ngang tầm với sản phẩm do OpenAI, công ty dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực AI, phát triển.

Trong một bài viết, DeepSeek tiết lộ đào tạo V3 chỉ bằng 2.048 GPU (bộ xử lý đồ họa) Nvidia H800 trong vòng hai tháng. Đây không phải là loại chip AI hàng đầu của Nvidia. Ban đầu H800 được Nvidia phát triển như một sản phẩm giảm hiệu năng để vượt qua các hạn chế từ chính quyền Biden với mục đích bán cho thị trường Trung Quốc, song sau đó bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

DeepSeek tuyên bố rằng quá trình huấn luyện mô hình này chỉ tiêu tốn 2,8 triệu giờ GPU với chi phí 5,6 triệu USD, bằng một phần nhỏ thời gian và tiền bạc mà các công ty Mỹ bỏ ra cho các mô hình AI của họ.

Vừa qua, DeepSeek được các nhà phát triển toàn cầu hoan nghênh, ca ngợi vì tiết lộ các kỹ thuật mà họ sử dụng để xây dựng các mô hình AI hiệu suất cao, chi phí thấp của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục kêu gọi sự tích hợp giữa công nghệ và công nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thông qua các "lực lượng sản xuất mới".

Sự hưng phấn do DeepSeek tạo ra đã giúp Hang Seng Tech Index tăng gần 30% từ đầu tháng 2 đến ngày 18.3. Tuy nhiên sau đó, tâm lý hưng phấn phần nào suy giảm, kéo theo mức giảm 8,5% của chỉ số này kể từ thời điểm đó.

Hang Seng Tech Index (HSTECH) là chỉ số chứng khoán theo dõi các hãng công nghệ lớn niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX).

Đặc điểm chính của Hang Seng Tech Index

Ra mắt vào tháng 7.2020 để phản ánh hiệu suất của các hãng công nghệ hàng đầu.

Bao gồm 30 hãng công nghệ có ảnh hưởng lớn, trong đó có:

Tencent Holdings (công nghệ & internet)

Alibaba Group Holding (thương mại điện tử)

Xiaomi (thiết bị điện tử)

Meituan (dịch vụ giao đồ ăn)

JD.com (bán lẻ trực tuyến)

Tập trung vào các lĩnh vực như AI, điện toán đám mây, thương mại điện tử, công nghệ tài chính và internet di động.

Được coi là "Nasdaq của Hồng Kông" vì tương đồng với Nasdaq 100, chỉ số công nghệ của Mỹ.

Vai trò của Hang Seng Tech Index

Là thước đo quan trọng của thị trường công nghệ Trung Quốc và Hồng Kông.

Bị ảnh hưởng bởi chính sách chính phủ, quan hệ Mỹ - Trung và xu hướng công nghệ toàn cầu.

Được nhiều quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) và nhà đầu tư theo dõi để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.

Rủi ro cao nhưng dòng tiền đầu tư vẫn mạnh

Bất chấp những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán, Judy Hsu cho biết khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư giàu có tại Trung Quốc vẫn ở mức cao. Thành công của DeepSeek khiến nhiều nhà đầu tư tăng tỉ trọng phân bổ tài sản tại châu Á, đặc biệt là vào các hãnh công nghệ tiềm năng.

"Đây là một bước ngoặt lớn. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều tin tức thú vị hơn nữa. Trung Quốc đã chứng tỏ mình là một thế lực trong các lĩnh vực công nghệ này", Judy Hsu nhận định.

Standard Chartered là một trong ba ngân hàng phát hành tiền tệ tại Hồng Kông, đang củng cố vai trò là nhà cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế ở Trung Quốc đại lục. Standard Chartered đang tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của những người Trung Quốc giàu có với các dịch vụ quản lý tài sản.

Judy Hsu cho biết Standard Chartered cũng sẽ đầu tư vào nhân lực và công nghệ số để cải thiện dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp Trung Quốc đại lục, trong bối cảnh nhiều công ty nước này đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng ra quốc tế.

Standard Chartered dự định tuyển thêm nhiều quản lý quan hệ khách hàng tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và UAE, với mục tiêu giám sát thêm 200 tỉ USD tài sản mới từ khách hàng trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng này có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD để đạt được mục tiêu đó.

Là một ngân hàng tập trung vào các thị trường mới nổi, Standard Chartered đang hoạt động tại hơn 50 quốc gia ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, nơi dân số giàu có tiếp tục tăng. Hồng Kông hiện là thị trường lớn nhất của Standard Chartered.

Tại Trung Quốc đại lục, các nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài sản quốc tế thường sử dụng các chương trình như QDII (chương trình nhà đầu tư tổ chức trong nước đủ điều kiện) để giúp người dân Trung Quốc đầu tư vào thị trường nước ngoài.

QDII là cơ chế do Trung Quốc triển khai nhằm cho phép các tổ chức tài chính trong nước đầu tư vào các tài sản nước ngoài một cách hợp pháp.

Đặc điểm chính của QDII

Mục đích: Giúp nhà đầu tư trong nước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Đối tượng tham gia: Các tổ chức tài chính được cấp phép như ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và bảo hiểm.

Hạn mức đầu tư: Các tổ chức tham gia phải tuân thủ hạn mức do Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cấp phép.

Các kênh đầu tư: Có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, sản phẩm tài chính phái sinh tại thị trường nước ngoài.

Vai trò của QDII

Giúp Trung Quốc kiểm soát dòng vốn ra nước ngoài trong khi vẫn thúc đẩy hội nhập tài chính toàn cầu.

Cung cấp thêm cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư tổ chức trong nước, thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa.

Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tài chính Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Ngoài QDII, Trung Quốc còn có cơ chế QFII (Qualified Foreign Institutional Investor), cho phép các tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường tài chính Trung Quốc theo hạn mức được cấp phép.

"DeepSeek giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách AI với Mỹ xuống còn 3 tháng"

Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách phát triển AI với Mỹ xuống chỉ còn ba tháng trong một số lĩnh vực, nhờ DeepSeek tối ưu hóa việc sử dụng chip và áp dụng thuật toán hiệu quả hơn, theo Lý Khai Phục – Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp 01.AI.

Lý Khai Phục, nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực AI toàn cầu và từng là Chủ tịch Google Trung Quốc, nói với Reuters rằng DeepSeek đã giúp Trung Quốc vượt lên trong một số lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm hạ tầng.

Lý Khai Phục nói DeepSeek giúp Trung Quốc rút ngắn khoảng cách phát triển AI với Mỹ xuống chỉ còn ba tháng trong một số lĩnh vực - Ảnh: SCMP

Lý Khai Phục nói DeepSeek giúp Trung Quốc rút ngắn khoảng cách phát triển AI với Mỹ xuống chỉ còn ba tháng trong một số lĩnh vực - Ảnh: SCMP

DeepSeek gây chấn động giới công nghệ khi ra mắt mô hình AI nguồn mở V3 và R1 có hiệu suất tương đương sản phẩm của OpenAI nhưng được phát triển với chi phí và tài nguyên tính toán thấp hơn đáng kể. Điều này thách thức giả định rằng các lệnh trừng phạt từ Mỹ đang kìm hãm sự phát triển của AI Trung Quốc.

"Trước đây, tôi nghĩ rằng khoảng cách là từ 6 đến 9 tháng và Trung Quốc thua kém ở mọi mặt. Song bây giờ, tôi tin rằng có lẽ Trung Quốc chỉ chậm hơn Mỹ khoảng 3 tháng trong một số công nghệ cốt lõi, nhưng thực tế lại đang dẫn trước ở một số lĩnh vực cụ thể", Lý Khai Phục chia sẻ với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại Hồng Kông.

Ông cho rằng các lệnh trừng phạt về chất bán dẫn của Mỹ là "con dao hai lưỡi", gây ra khó khăn trong ngắn hạn nhưng cũng buộc các công ty Trung Quốc phải đổi mới trong điều kiện hạn chế, đặc biệt về việc phát triển thuật toán.

"Việc DeepSeek có thể tìm ra chuỗi tư duy mới để cải tiến học tăng cường cho thấy họ đang bắt kịp Mỹ rất nhanh, hoặc thậm chí còn sáng tạo hơn", Lý Khai Phục nhận định, đề cập đến khả năng của mô hình DeepSeek trong việc hiển thị quá trình lập luận trước khi đưa ra câu trả lời. Đây là tính năng mà OpenAI từng phát triển nhưng chưa công bố cho người dùng.

Học tăng cường là phương pháp học máy, trong đó một tác nhân học cách đưa ra quyết định bằng cách tương tác với môi trường và nhận phản hồi dưới dạng phần thưởng hoặc hình phạt. Mục tiêu của học tăng cường là giúp tác nhân tối đa hóa phần thưởng dài hạn thông qua các hành động mà nó thực hiện

Ngành công nghệ Trung Quốc bước vào cuộc đua AI toàn cầu sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022. Song trước khi DeepSeek xuất hiện, nhiều chuyên gia Trung Quốc vẫn cho rằng họ còn khoảng cách xa so với các đối thủ phương Tây.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/deepseek-cung-co-niem-tin-cua-cac-nha-dau-tu-giau-co-o-trung-quoc-vao-co-phieu-cong-nghe-230962.html