Đêm 22 đến sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có nơi mưa trên 150mm
Từ đêm 22/7 đến sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Tuyến đường Phan Chu Trinh, phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa (trước quảng trường Lam Sơn) bị ngập sâu. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 22/7 đến sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (trên 150mm/3 giờ).
Ngoài ra, từ đêm 22/7 đến ngày 23/7, các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa, mưa rào rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 24-25/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Do nước dâng nhanh, đường dân sinh bị ngập sâu, nhiều nhà dân ở vùng trũng, thấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị cô lập. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Ngày 22/7, ở Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to; ở Nam Phú Thọ có mưa vừa mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; các nơi khác ở Bắc Bộ cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 7-20 giờ ngày 22/7 có nơi trên 150mm như trạm Yên Cát (Thanh Hóa) 307,2mm, trạm Châu Nga (Nghệ An) 284,4mm, trạm Đoàn Kết (Phú Thọ) 150,8mm.
Cập nhật về tình hình áp thấp nhiệt đới suy yếu sau bão số 3, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối 22/7, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực Ninh Bình-Thanh Hóa, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Ninh Bình-Thanh Hóa.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 5-10 km/giờ.
Dự báo, đến 7 giờ ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km/giờ và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Tây khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh-Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới, trên biển: Trong đêm nay 22/7, vùng biển phía Tây khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu và Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Bão số 3 gây mưa và sóng biển dâng cao tại khu vực xã Đồng Châu (Hưng Yên). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Cảnh báo thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong áp thấp nhiệt đới cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển.
Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn.
Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh-Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió giật cấp 6-7.
Từ đêm 22/7 đến sáng ngày 23/7, Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (trên 100mm/3 giờ). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp./.