Đêm Giao thừa ở tuyến cuối cùng điều trị F0
Ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, trong khi người người đang trở về sum họp bên gia đình để đón chào Năm mới, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các nhân viên y tế đang tất bật, căng sức để cứu chữa bệnh nhân Covid-19.
Chỉ còn vài tiếng nữa là Giao thừa, tại Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiếng kêu tít tít liên tục từ những chiếc máy thở tại mỗi phòng bệnh. Ai ai cũng tất bật. Các y bác sĩ, điều dưỡng viên ra vào liên tục để thăm khám, đặt ống thở, hay phát thuốc, tiêm truyền cho bệnh nhân đến việc vệ sinh, thay bỉm, đút từng thìa cháo cho người bệnh. Không khí chiều cuối năm tại nơi này vẫn như những ngày thường. Chỉ có điều khác biệt là những ngày này, ở đây có thêm bánh chưng, giò.
F0 nặng tăng cao
Vừa có một bệnh nhân Covid-19 tại Khoa đã không qua khỏi. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưởng và đồng nghiệp đã thay người nhà bệnh nhân hoàn tất mọi thủ tục để đưa người bệnh đi mai táng.
Hưởng tham gia chống dịch tại bệnh viện từ khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam. Mỗi kíp trực có khoảng 8 điều dưỡng viên và phải làm việc liên tục trong 8 tiếng. Bệnh nhân ngày một tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, oxy mask, HFNC... nên Hưởng cùng các đồng nghiệp thường xuyên luôn chân, luôn tay trong mỗi ca trực.
Tại một phòng bệnh khác, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm và các đồng nghiệp cũng đang phát thuốc và tiêm truyền cho bệnh nhân. Tham gia chống dịch từ đầu tháng 4/2021, với điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm, thời gian dành cho gia đình và 2 con nhỏ chỉ đếm từng ngày. Điều dưỡng Thắm chia sẻ, thời điểm hiện tại bệnh nhân rất đông, bệnh nhân nặng ngày càng tăng buộc các nhân viên y tế phải gồng mình lên với công suất trên 100%, thậm chí là 200%.
“Ngoài công việc tiêm truyền cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải tắm rửa, thay bỉm, vệ sinh cho người bệnh, cho bệnh nhân ăn, đóng vai trò như một người con, hay người bố, người mẹ. Sức khỏe thì cũng có hạn nhưng chúng tôi cũng cố gắng để chăm bệnh nhân tốt hơn, giảm thiểu các ca bệnh tử vong, giúp bệnh nhân sớm hồi phục, nhanh chóng được ra viện và trở về với gia đình”- Thắm cho hay.
BS Ngô Thanh Hà, Phụ trách Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại ở Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu có khoảng 60-70 bệnh nhân Covid-19, đa phần đối tượng là những người cao tuổi có nhiều bệnh nền. Vì vậy, khi mắc Covid-19, người bệnh đều tiến triển nặng, tổn thương phổi, suy hô hấp nặng. “Các bệnh nhân đang được hỗ trợ thở oxy mask, HFNC, tình trạng đáp ứng oxy kém... Hiện, cả bệnh viện có khoảng hơn 600 bệnh nhân, trong đó có hơn 100 ca phải thở máy”- BS Hà thông tin thêm.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối cùng của điều trị Covid-19, vì vậy tất cả các bệnh nhân nặng từ các tỉnh miền Bắc đều được điều chuyển về bệnh viện khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong gia tăng. “Mỗi ngày, riêng ở khoa Cấp cứu tầng 3 có khoảng 2-3 bệnh nhân tử vong, tổng số ca tử vong ở bệnh viện dao động từ 5-7 ca/ngày khiến tỷ lệ tử vong cao đột biến”- BS Hà cho biết.
Bệnh viện chia làm 3 ca 4 kíp tuy nhiên số lượng bệnh nhân tăng, dồn dập cũng khiến nhân viên y tế cảm thấy kiệt sức.
“Thời điểm này, nhân viên y tế có 2 nỗi buồn: Thứ nhất là số bệnh nhân nặng tăng lên và ngày nào cũng có bệnh nhân tuột khỏi tay nhân viên y tế. Nỗi buồn thứ hai là họ phải xa gia đình, nhớ người thân của họ, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến Xuân về”- BS Hà chia sẻ.
"Mẹ sẽ gửi quà và lì xì về cho các con”
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, những ngày cận Tết, hai con nhỏ của chị thường xuyên gọi điện hỏi thăm mẹ có được về nhà ăn Tết cùng gia đình càng khiến chị thương các con nhiều hơn.
“Sang năm mới, mẹ cũng không về ăn Tết với các con được, các con hãy ở nhà cố gắng, mẹ hứa sẽ bù đắp nhiều hơn cho các con trong thời gian sắp tới. Mẹ yêu các con rất nhiều. Mẹ sẽ gửi quà và lì xì về cho các con”- chị Thắm chia sẻ.
Nữ điều dưỡng này cũng mong rằng, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức phòng dịch, thực hiện nghiêm chỉnh 5K, đảm bảo người người, nhà người đều đón Tết an toàn, vui vẻ. Điều này sẽ giúp giảm số ca mắc Covid-19, vơi bớt gánh nặng các nhân viên y tế nói riêng và ngành y tế nói chung.
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưởng cũng chia sẻ, Giao thừa năm nay, trực tại bệnh viện, ăn Tết cùng các bệnh nhân Covid-19, mặc dù cũng có buồn nhưng ai ai cũng tự nhủ phải cố gắng bởi bệnh nhân cần mình. Tranh thủ chút thời gian nghỉ hiếm hoi, Hưởng gọi điện về nhà để chúc Tết bố mẹ và vợ con. Những cuộc gọi ngắn ngủi như thế này đã giúp anh quên đi mệt mỏi, tinh thần thoải mái hơn và quên đi nỗi nhớ nhà, đặc biệt là vào những thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
BS Ngô Thanh Hà, Phụ trách Đơn nguyên cấp cứu tầng 3, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, để động viên tinh thần cho nhân viên y tế tham gia trực Tết, Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng chuẩn bị bánh chưng, giò và một số món ăn mang hương vị ngày Tết, nhằm giúp các nhân viên y tế nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà.
“Chúng tôi chỉ muốn góp phần sức của mình để cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Tôi cũng hy vọng thời gian tới dịch bệnh sẽ kết thúc, sau những giờ lao động vất vả, nhân viên y tế không phải cách ly, được trở về bên gia đình, bù đắp cho gia đình trong khoảng thời gian xa nhà. Điều quan trọng là chúng tôi cũng mong muốn bình an đến muôn nhà trong năm mới”- bác sĩ Hà cho biết./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dem-giao-thua-o-tuyen-cuoi-cung-dieu-tri-f0-post921351.vov