Đêm giao thừa tại trung tâm hồi sức Covid-19 ở TP.HCM
'Ca trực đêm trước thềm năm mới bên bếp lửa bập bùng có lẽ sẽ là kỷ niệm khó phai của các chiến sĩ áo trắng', PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Dù công việc còn bộn bề, thế nhưng, các y bác sĩ vẫn tranh thủ giờ ra trực, chuẩn bị nồi bánh chưng, bánh tét nồng ấm hương vị Tết Nguyên đán ngay tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 - Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Đêm giao thừa đặc biệt của ngành y
Đêm giao thừa, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp đến thăm hỏi và gửi lời chúc mừng năm mới tới các thành viên của Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Chia sẻ với các y bác sĩ trong ca trực tối 29 Tết, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành y tế TP.HCM có nhiều tín hiệu đáng mừng khi số lượng người bệnh đang giảm mạnh. Số lượng người bệnh nặng điều trị tại các trung tâm hồi sức cũng có xu hướng giảm.
"Điều này là thành quả chung của chúng ta. Thế nhưng, trước những diễn biến còn phức tạp của biến chủng Omicron, chúng ta luôn phải tập trung cao độ, trong tâm thế sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc các y bác sĩ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc bệnh viện sớm hoàn thành nhiệm vụ", Thứ trưởng Sơn chia sẻ.
PGS.TS Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hiện hiện đơn vị còn điều trị cho 18 bệnh nhân, trong đó, 14 người được thở máy nhưng tình trạng không quá đáng ngại.
Ông chia sẻ: "Một đêm giao thừa ấm áp và đặc biệt nhất trong đời với các chiến binh đã cùng nhau đi suốt những tháng năm khốc liệt mà rực rỡ".
Trong đêm cuối cùng của năm Tân Sửu, dù công việc còn bộn bề, các y bác sĩ vẫn tranh thủ giờ ra trực, chuẩn bị nồi bánh chưng, bánh tét và trang hoàng không gian Tết tại các phòng bệnh, phòng làm việc.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhắn nhủ: "Ca trực đêm trước thềm năm mới bên bếp lửa bập bùng có lẽ sẽ là kỷ niệm khó phai của các chiến sĩ áo trắng".
Ông cũng bày tỏ hy vọng trong những ngày tới, khi số lượng người bệnh giảm, trung tâm sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng vẫn trên tinh thần sẵn sàng đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bác sĩ cúng giao thừa tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19
Dù bận rộn công việc, chiều 29 Tết, bác sĩ Trần Hữu Chinh (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy), Trưởng khoa 7B tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, tranh thủ ghé Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sớm hơn dự định để tiễn các F0 cuối cùng của năm cũ xuất viện.
"Về nhà kịp đón giao thừa, có lẽ những bệnh nhân sẽ rất vui. Chúng tôi thấu hiểu nỗi nhớ gia đình hơn ai hết nên luôn cố gắng giúp người bệnh xuất viện sớm, để có mùa Tết đoàn viên", bác sĩ Trần Hữu Chinh chia sẻ.
Trong bộ quần áo bảo hộ trắng toát chỉ thấy nhau qua ánh mắt suốt nhiều tháng qua, các y bác sĩ tự chuẩn bị phong bao lì xì và chúc Tết tại phòng bệnh. Hiện khoa 7B vẫn còn khoảng 14 bệnh nhân Covid-19 được điều trị, trong đó có 4 người có tình trạng nặng, không nói chuyện được.
"Nhiều bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc nên không thể trở về nhà đón Tết. Chúng tôi mong muốn mang đến cho bệnh nhân không khí đón Tết như gia đình. Cả bác sĩ, điều dưỡng dù xa nhà thời gian dài nhưng ai cũng vui và phấn khởi", bác sĩ Chinh chia sẻ.
Giao thừa tất bật tại khu cấp cứu lớn nhất phía Nam
Tối 31/1, trước thời điểm Giao thừa năm mới âm lịch, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng đến thăm, chúc Tết và lì xì động viên tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ trong ca trực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đây được xem là một trong những đội ngũ nhân viên y tế luôn làm việc quên mình bất kể ngày đêm luôn chạy đua với thời gian để mang lại sự sống cho người bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam. Vì vậy, khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận ca bệnh nặng, nghiêm trọng mà cơ sở y tế tuyến dưới không đủ khả năng điều trị. Đa số trường hợp nhập viện do bệnh nội khoa nặng, số còn lại chủ yếu là tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Các bác sĩ cho biết trong những ngày Tết, họ thường gặp các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Do đó, nhân viên y tế khoa Cấp cứu luôn có áp lực rất lớn. Thông thường, trung bình mỗi ngày, đơn vị này sẽ tiếp nhận 100-300 bệnh nhân cấp cứu.