Đêm ký túc xá nhớ mẹ

Con bắt xe về thăm mẹ khi bóng chiều đã ngả. Con đường quê rải đá lóc xóc cuốn bụi đỏ mờ. Phía xa, cây gạo đơn côi trơ ra những cành cây gầy guộc.

Làng mình đó yên bình và thân thuộc. Nơi ấy có mẹ vẫn ngày ngày dãi nắng dầm mưa chắt chiu dành dụm từng đồng bạc lẻ gửi lên thành phố cho con ăn học. Mẹ tần tảo ngoài cánh đồng làng, hết vụ lúa lại chuyển sang trồng màu cuối năm. Khoai sắn cứ tốt bời bời, còn bàn tay mẹ chai sần, gót chân nứt nẻ. Rời ruộng đồng mẹ đi theo đám thợ xây phụ vữa. Đôi quang gánh kẽo kẹt trên vai cả mấy chục viên gạch hò nhau đu bám. Từng mẻ vữa nhào kỹ đặc quánh, vôi bám vào áo quần mẹ két lại cứng khô. Nắng gió hanh hao, cát đá sỏi vô tình cứa vào da mẹ nứt nẻ rớm máu.

Ghé quán nước bên gốc gạo già, bà cụ hỏi thăm con lâu không thấy về. Cụ cười hiền từ khen con dạo này ra thành phố ăn nước máy trông trắng trẻo xinh gái hẳn ra. Con nghe vậy mà lại thấy buồn buồn. Vì nước da con trắng thì chắc da mẹ sẽ sạm hơn. Ngày còn ở quê mỗi lần ra đồng mẹ luôn nhắc nhở con gái là phải “nhất dáng, nhì da” cố mà giữ gìn. Mẹ chịu dầm mình tắm nắng gội sương nhưng còn con hễ hở ra một chút là mẹ bắt phải quàng khăn che kín mặt chớ để da rám nắng. Mẹ nhắn nhủ nhà mình nghèo, quê mình khó, chỗ của con không phải nơi đồng ruộng này gắng mà học rồi đi công tác ra ngoài.

Con phấn đấu ra thành phố học hành chẳng phải để nước da trắng hơn. Vì thế con vẫn là cô bé ngày nào của mẹ, tóc buộc sau lưng, móng tay không sơn màu lòe loẹt. Ở lớp các bạn vẫn thi nhau làm đẹp, còn con vẫn giữ chân phương bởi mỗi lần nhìn thấy môi son, má phấn, tóc xoăn, con lại nghĩ đến mẹ da rám nắng, tóc muối tiêu. Thôi kệ chịu tiếng không hợp thời còn hơn để mẹ vai thêm mỏi, lưng thêm còng. Con ở trên thành phố có ai hay biết mỗi lần về quê là một lần mẹ tất tả gom góp những đồng tiền còm cõi cho con. Bịch thóc trong buồng vơi thêm một ít, hũ lạc khô cũng được san ra đôi phần. Rồi mẹ gói ghém chục trứng, mớ rau, quả bưởi. Tất cả là hành trang cho con từ quê lên phố. Nhiều khi cầm đi mà lòng cứ dùng dằng. Mẹ động viên: “Ở quê thế nào cũng xong, chứ trên thành phố đến cái tăm cũng phải mua. Thiếu thốn là khổ lắm, thôi cứ mang đi con cho mẹ vui lòng”.

Rời quán nước con dạo bước về nhà. Đường quê vắng vẻ thanh bình, khác xa những ồn ào nơi phố thị. Con cứ ao ước giá như chẳng phải ra phố, cứ ở nhà có mẹ có con lại vui hơn. Về đến nhà mở cánh cổng gỗ kẽo kẹt cất tiếng gọi mẹ. Căn nhà vắng lặng chỉ có đàn gà lục tục chạy kiếm thức ăn. Chắc mẹ lại theo cánh thợ đi phụ vữa. Đang mải ngó nghiêng xem lại vườn nhà thì ngoài đường có người tất tả chạy vào gọi gấp gáp: “Này... đi ngay ra ngoài xóm đồng, mẹ mày bị gạch đè vào chân, người ta đang hô ầm lên kia kìa”. Chỉ nghe có vậy thôi mà con thấy đau điếng người rồi vùng vùng chạy ra cửa. Nhưng lạ quá chân muốn chạy thật nhanh mà cứ như có người kéo lại bước đi không nổi, con vấp ngã dúi dụi, miệng gọi lớn: “Mẹ... mẹ ơi!”.

Con giật mình choàng tỉnh giấc. Thì ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Đêm cuối tuần con nằm nghỉ trong ký túc xá. Ngoài trời gió vẫn rít từng cơn lạnh ngắt. Giờ này ở quê, mẹ nằm một mình có khi cũng mơ đến con nhưng chắc đó sẽ là giấc mơ đẹp vì lúc nào mẹ cũng hy vọng ở con. Đêm khuya, ký túc xá buồn vắng lặng, con vẫn thao thức nhớ mẹ, lòng thầm nhủ “Con sẽ sớm về bên mẹ, mẹ ơi!”.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dem-ky-tuc-xa-nho-me-603569