Đêm mưa trên những chốt kiểm soát
Gió thốc thẳng vào các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Những cây dù che nắng, những tấm bạt đơn sơ oằn mình theo cơn giông. Mưa cứ thế xối thẳng xuống khiến quần áo của những người trực chốt ướt sũng. Khắc phục khó khăn, các lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn ngày đêm bám chốt, kiểm soát chặt chẽ lượng người, phương tiện qua lại các tuyến đường giao thông trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát.
Ấm lòng chuyến xe tiếp tế giữa đêm
Chiều muộn, chúng tôi có mặt tại Công an huyện Bến Lức để chuẩn bị cho chương trình tiếp sức các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện.
18 giờ 30 phút, chiếc xe bán tải chở chúng tôi đến xã Phước Lợi để nhận những suất ăn đêm được mạnh thường quân nấu sẵn. 260 phần bún nóng hổi được đóng gói kỹ được chuyển đến tặng lực lượng tại các chốt kiểm soát.
Thượng úy Lê Việt Trường - Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Bến Lức, cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, huyện Bến Lức thành lập hàng loạt chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Các chốt này được đặt tại tất cả các tuyến đường liên huyện, các cửa ngõ giáp ranh TP.HCM, bảo đảm túc trực 24/24 giờ. Vất vả nhất là các ca trực ban đêm. Mặc dù hầu như không có người dân qua lại sau 18 giờ nhưng các lực lượng tại chốt vẫn thay nhau trực bởi chỉ cần sơ suất, rất có thể sẽ có trường hợp người dân hoặc các đối tượng qua lại làm tăng thêm nguy cơ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các chốt cũng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm ở các khu vực giáp ranh. Theo Thượng úy Lê Việt Trường, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu bám chốt trực ca đêm, một số mạnh thường quân trên địa bàn huyện tình nguyện nấu, hỗ trợ các suất ăn để các chiến sĩ ấm lòng, vững tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch giáp ranh giữa địa bàn ấp 7, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức và thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, ca trực đêm được bố trí 4 cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Bến Lức, Công an huyện Bình Chánh và Bộ Tư lệnh TP.HCM. Hơn 20 giờ, những tuyến đường vắng lặng không một bóng người. Tấm barie được căng ra ngăn giữa tuyến đường, 4 cán bộ, chiến sĩ ngồi bên chiếc bàn tròn, xung quanh là cái bếp gas nhỏ, mấy gói mì và thùng nước ngọt vừa được người dân hỗ trợ.
Thượng úy Trần Công Thành - Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: “Thông thường, mỗi ca trực đêm, anh em có mì gói, nước uống nhưng ăn riết cũng ngán. Những suất ăn đêm này giúp anh em thay đổi khẩu vị”.
Theo Thượng úy Lê Việt Trường, đây là lần thứ 5, anh cùng anh em trong đơn vị tổ chức chuyến xe tiếp tế các suất ăn đêm cho lực lượng trực chốt. Cứ mỗi chuyến xe như thế, hàng trăm phần ăn đến tay cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trong những ca trực. “Mạnh thường quân đã bỏ công sức, vật chất và rất nhiều tình cảm để nấu những phần ăn đêm, lực lượng Công an chúng tôi chỉ muốn làm cầu nối để chuyển tấm lòng, tình cảm của các mạnh thường quân đến cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” - Thượng úy Trường cho biết.
Sá chi nắng, mưa
Gần 20 giờ, xe đến chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến Quốc lộ 1, xã Mỹ Yên - nơi giáp ranh với huyện Bình Chánh, TP.HCM. Vừa trao xong 14 phần ăn, trời bất ngờ nổi giông. Gió cuốn những tấm biển quanh chốt ngả nghiêng bên đường. Đồng chí dân quân và đồng chí cảnh sát cơ động phải cố hết sức mới giữ được cây dù khỏi cơn gió mạnh. Mưa bắt đầu trút xuống, quần áo các anh ướt sũng. Ngoài đường, những chuyến xe tải "luồng xanh" vẫn lao vun vút để kịp cung ứng hàng hóa đi khắp các tỉnh, thành.
Anh cảnh sát cơ động cho biết, chốt được đặt ngay vị trí giáp ranh trên Quốc lộ 1 - tuyến đường huyết mạch nên lượng xe qua lại rất đông. Ngoài những xe được phép lưu thông thì vẫn có tình trạng người dân, xe không được phép lưu thông qua lại. Vì thế trong các ca trực, nhất là các ca trực đêm, anh em tại chốt luôn bảo đảm 100% quân số, không một phút nào rời vị trí.
Khi được hỏi những khó khăn, vất vả, các anh chỉ cười: “So với đội ngũ y, bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, các lực lượng truy vết,... thì vất vả của chúng tôi chẳng đáng là bao. Dù khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không để bất kỳ người và phương tiện qua lại chốt mà không được kiểm soát” - anh cảnh sát cơ động khẳng định.
Mưa tiếp tục nặng hạt, chiếc xe tăng ga để kịp đến chốt cầu Ông Thoàn, xã Mỹ Yên. Khi chiếc xe vừa đến cũng là lúc mưa như trút nước. Tấm barie được căng giữa cây cầu, phía dưới cầu, chốt kiểm soát dịch là lán tạm được dựng bạt sát nhà dân.
Sau khi tặng các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn xã Phước Lợi, Mỹ Yên, Tân Bửu, xe tiếp tục lăn bánh qua các chốt trên địa bàn xã An Thạnh, thị trấn Bến Lức, chốt kiểm soát trạm thu phí cao tốc rồi vòng về ngã tư Bình Nhựt, Khu công nghiệp Thuận Đạo, Trung tâm Y tế huyện và một số khu cách ly để kịp thời mang những phần ăn đêm đến với các anh - những người thức thâu đêm vì bình yên cho nhân dân. Gần 22 giờ, chúng tôi trao xong 260 phần ăn đến các lực lượng trực chốt ca đêm. Mưa cũng tạnh. Các tuyến đường vắng tanh. Qua từng ngã ba, ngã tư, những chốt nhỏ vẫn sáng ánh đèn. Mặt đường chỉ còn loang loáng bóng nước. Thi thoảng, những chuyến xe cấp cứu nháy đèn lao vút trong màn đêm./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dem-mua-tren-nhung-chot-kiem-soat-a120354.html