'Đêm ngồi ngã ba sông': Đắng lặng & thấu thiết yêu thương
Tết nhất sắp về, bộn việc nhà việc nghề nhưng vẫn xoắn xuýt đọc khi có trong tay tập thơ 'Đêm ngồi ngã ba sông' sang trọng, chỉn chu từng nét chữ của Nguyễn Thành Phong.
Tập thơ bắt mắt bắt lòng ngay từ những lời tự bạch trên trang gấp bìa 4: “Ta đã sống như bao người đi trước/ Đầy nhọc nhằn tin cậy với mê say/ Ngày cuối năm đi giữa trời mưa lạnh/ Ta ảo mờ một hạt nước đang bay...”
Từ rất lâu, ấn tượng với tôi về Nguyễn Thành Phong là nhà văn lãng tử, đa tài, mạnh mẽ, nghĩ sao viết vậy, nói vậy, không kín kẽ, kể cả khi đăng đàn trước đồng nghiệp ở những hội nghị tầm cỡ. Mượn hình tượng Ngã ba sông để chuyển tải nỗi niềm, trữ tình thế sự của mình đủ thấy Nguyễn Thành Phong đâu phải dạng vừa. Khác hẳn với ngã ba đường băn khoăn lăn tăn hướng đi, đích đến.
Với ngã ba sông thì dù ngồi hay đứng thì trong ta sông vẫn xuôi dòng, vẫn đổ về một hướng, cho dù mỗi dòng nhỏ đổ về ngã ba tạo nên sông Cái vật vã với bao thác ghềnh, muôn vạn khúc quanh... “Đêm ngồi ngã ba sông” cuốn hút người đọc, đọc phải suy tư, thẩm thấu chữ nghĩa tinh xảo, uyên thâm, tinh tường của tác giả vắt nên câu, nên vần để thế sự đắng cay và hạnh phúc rãi tỏa với muôn dân....
Chỉ với 4 bài thơ đặt trong phần I, đủ thấy sự tài hoa của thi sĩ Nguyễn Thành Phong tư duy sắc bén, ý tứ sâu xa thấm đẫm nhân văn vun tốt, loại xấu; lấy cổ soi kim, tình lý phân minh, tinh tế, độc đáo khiến người đọc không dễ lướt qua. Độc đáo ở cách diễn tả, bới mạch, dò nguồn cứ như thi sĩ đong đo được cả linh khí của đất trời vậy “Đêm ta ngồi giữa ba dòng sông sâu/Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở/Nghe nước kể chuyện những đời người/Cay đắng và vinh quang/ Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi”.
Hoặc trong bài Theo ta: “Bao nhiêu tị hiềm lắt léo/Ngôn từ như khói như roi/Vẫn tin một bờ vai chạm/Bàn tay ấm áp không lời”. Viết được như thế thật không dễ, thi sĩ cứ như tất tần tật biết mạch, biết nguồn, và ta cũng lại phải chậm lại ngẫm xem thi sĩ muốn nhắn gửi điều chi! Tác giả “Đêm ngồi ngã ba sông” là người từng trải, từng sống như mọi người từng sống, nhưng cái hơn là anh chẳng lấp liếm giấu giếm những đớn hèn, đúng sai của cuộc đời.
Bởi anh cũng đã sống như bao người đi trước, đã từng là dân, đã từng nên quan, quan nhờ “câu”: “Ta từng câu tước câu quan/Mồi câu chỉ mắc thênh thang lòng mình/Tước quan câu được rồi kinh/Rồi buông bỏ, lại lòng mình thênh thang...”. Là đồng nghiệp, tôi biết Nguyễn Thành Phong từng là Tổng Biên tập Tạp chí, rồi Tổng Biên tập của một tờ báo lớn của một Bộ, từng viết những bài bút ký giàu sức khám phá đến mức gây điều tiếng, và rồi một chút sai phạm tẻo teo khiến anh phải vào vòng lao lý.
Thời gian ngồi “bóc lịch” bằng ngày chưa đếm đủ trên mười đầu ngón tay, Nguyễn Thành Phong vẫn vô tư viết cả lô lốc thơ thế sự. Đau mà thấm, Nhớ phố là nỗi khát thèm của người mất tự do: “Bao phố xá thân quen suốt đời xanh tuổi trẻ/Dọc những con đường ta đã sải chân qua/Phố hiểu thế phả chút mùi thật nhẹ/Cho ta thở căng tràn xua ăm ắp tối tăm xa...”. Ấy cũng là cái tâm cái đức của nhà văn chân chính Nguyễn Thành Phong.
Khác với những kẻ hèn hạ, có tội khi được tha bổng, đáng lẽ phải tu tâm tích đức để hoàn lương thì lại ra giọng chửi đổng, vuỗi tội, nhớp nháp thói “Chí Phèo”. Nguyễn Thành Phong nói “buông bỏ” nhưng đó là buông bỏ cái xấu xa. Anh chẳng hề buông xuôi, mà luôn tự nghĩ sống cho ra sống. Anh nhắc nhở đừng quên những gì đất nước phải đổi bằng máu xương mới có được: “Khi chính quyền lần đầu ra mắt/Giữa Ba Đình mây dừng lại che cho/Nghe rõ không? Đồng bào ơi Bác hỏi/Nắng bỗng hiền, dịu mát đầu thu/... Người lớp lớp giữ đất đai bờ cõi/Đất nước tôi không bao giờ quên/Máu đã đổ bao năm dài vệ quốc/Vẫn là nơi đợi chờ năm tháng bình yên!”.
Nhà thơ Trĩu nặng buồn đau “Bởi đi phía nào cũng gặp điều ngang trái... Không cất lời thì ta hóa đang câm?”. Anh miệt thị những Người ném đá... hiềm khích, vấy bùn, đố kị, lòng dạ tăm tối. Anh đanh thép lên án lũ Dị quan, đọc mà đắng lòng đắng dạ. Anh chỉ mặt, đặt tên các kiểu dị quan: “Quan bằng giả bằng mua quan chép bài quay cóp/ Quan đánh quả đường vòng/Quan đấu thầu lối tắt/Quan cơ hội quan lưu manh/Quan bám mép ghế, quan lật mặt bàn/Quan găm hàng tự có...”.
Anh chỉ mặt lũ quan dơ bẩn, bất nhân nghĩa: “Nước văn hiến mà quan vô văn hóa”; anh vạch tội lỗi, mánh khóe lừa dưới, dối trên, nói khác với làm; ấy là loại quan bất nhân bất nghĩa, quên dân là gốc “Xưa đánh giặc tìm đâu cũng thấy dân/Giờ cai trị, quan nhìn đâu cũng địch”! Nhà thơ đau, nỗi đau của muôn người, trước một số ít loại quan hư hỏng: “Đường chưa hẳn sai mà lắm kẻ đi sai/Ghế không xấu chỉ người ngồi ghế xấu/Sách kinh điển dù đã nhiều lạc hậu/Không dạy tín đồ đểu giả gian manh/Bộ phận không nhỏ đã trở nên rất lớn/Một bầy sâu ăn rỗng cả mùa dân”!
Thấm mà đau. Đau bởi sự thật. Sự thật khiến những kẻ giả dối không mấy ưa, thậm chí hằn học với nhà thơ đã chỉ mặt “Dị quan” để người đời phán quyết, để các cơ quan Tư pháp khẩn thiết nghiêm trị! Như thế, đâu phải nhà thơ buông bỏ. Ấy là tiếng nói xây dựng, là lời cảnh báo, cảnh tỉnh về công tác cán bộ không khi nào là quá mức, để cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân đúng nghĩa như lời Bác Hồ từng dạy.
“Đêm ngồi ngã ba sông” còn là tiếng lòng thấu thiết nỗi niềm của nhà thơ với dân, với nước. Mạnh mẽ nhưng khiêm tốn, không mượn chữ để kênh mình lên, mà tự biết “Ta ảo mờ một hạt nước đang bay...” (Bay trong mưa bụi). Tác giả mượn tích xưa để hối thúc cái nay. Đọc bài “Đường trần”, tôi chạnh nhớ lời Nguyễn Trãi “Trời muốn khốn ta để giao việc khó/Nên ta càng cố chí vượt gian nan”, Nguyễn Thành Phong tự cảm: “Trời cho một chút văn/Phải nhận kèm tai họa/Xem có bén lòng nhân/Khổ để còn đầy đọa/Mang theo một chút duyên/Thật thật rồi ảo ảo/Đường trần lầm lũi đi/Tập, diệt rồi mới đạo”!
Anh mong sao cho người dân được sống đúng với lẽ đời, đừng bị đớn đau oan ức như Trạng nguyên Thái sư Lê Văn Thịnh khai khoa thời nhà Lý, nhiều công tích nhưng bị vu oan “hóa hổ giết vua”. Thái sư đã hóa gia vi tự, nay dưới chân núi Thiên Thai còn pho tượng rồng đá tự cắn xé vào thân mình. Bài “Dưới chân núi Thiên Thai”, câu chữ đắng lòng, nhưng nỗi niềm của nhà thơ với nhân quần đẹp đẽ biết bao: “Ta về tìm Thái sư đây/Thềm vi gia tự bay đầy khói sương/Tiểu nhân lộng hí quan trường/Chính nhân lặng lẽ quay đường tiêu dao/Cơn làm sao cớ làm sao/Chuyện ngàn năm lại hôm nào đấy thôi/Thái sư nặng nợ bầy tôi/Ta đây đau đáu nỗi người thiên thu...”.
Tâm hồn Nguyễn Thành Phong luôn sôi động mạnh mẽ quyết liệt với thói tham lam, dối trá, gian manh, đê hèn như “Đại dịch” của lũ quan bất nhân, bất nghĩa “Dối trá ở ngoài dối trá bên ta”. Trĩu nặng nỗi niềm sẻ chia, yêu dân, trọng dân; qua thơ anh cảnh tỉnh, cảnh báo những gì đang là nhỡn tiền, như các bài: “Sao vẫn còn người Việt ra đi”...; “Người lính trẻ”; “Đại dịch”; “Chợ chiều”; “Cờ tàn”... Thắm thiết tình quê hương, gia đình, bạn bè và mỗi vùng đất anh đã qua luôn ở trong cõi tinh thần của Nguyễn Thành Phong, ví như các bài: “Gió reo bờ ruộng”; “Bạn trời Tây Bắc”; “Ngồi chơi với má”… cuộc đời mới ấm áp biết bao.
“Chiều thong thả về ngồi bên đất ấm/Nghe gió động rừng cờ xao xuyến cỏ cây yêu...” (Hoa vườn nhà). Và, “Đã đi suốt những chặng đường tít tắp/Những khúc bằng, khúc ngoặt, khúc ngang/Nghe chuyện lạ bốn phương không lạ nữa/Về ngồi dưới hiên quê thư thả ngắm làng” (Dưới mái hiên quê).
Độc đáo, tinh tế cũng bởi Nguyễn Thành Phong giỏi dùng từ, gọi chữ giàu trọng lực cho mỗi tứ thơ và mỗi bài thơ. Tập thơ với 63 bài thơ nhưng đa thể loại, đa phương cách thể hiện; âm điệu, vận nhịp, kết cấu chặt chẽ trong từng khổ thơ nên “Đêm ngồi ngã ba sông” của Nguyễn Thành Phong khiến người đọc dễ thấu thiết cùng anh: “...Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở/Nghe nước kể chuyện những đời người/Cay đắng và vinh quang/Kiếp sóng nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi”!
Hà Nội – Ngày cuối năm 2021
Nguyễn Uyển
* "Đêm ngồi ngã ba sông"- Tập thơ của Nguyễn Thành Phong do NXB.HNV ấn hành – 2021