Đêm trong vùng địch năm ấy...

Đó là đêm 25-9-1969, khi ấy tôi vừa được điều về đơn vị mới, đóng quân tại tỉnh Quảng Nam trên cương vị là người chỉ huy phân đội trinh sát đo đạc của Đoàn pháo binh 78, Mặt trận B5. Lúc bấy giờ Đoàn trưởng là đồng chí Khổng Doãn Hạng.

Đường về Chu Lai

Bỏ lại sau lưng những vạt rừng non, theo đường mòn chúng tôi bước xuống cánh đồng Kỳ Yên cũng là lúc trời sập tối. Tôi không lạ nơi này. Bởi ba ngày trước chúng tôi đã có cuộc đụng độ với bọn Mỹ càn quét nơi đây. Trưa hôm ấy, cô giao liên Nguyễn Thị Chung - cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Nam đưa chúng tôi tới cửa rừng này, định vào trong nhà dân nấu cơm ăn với rau khoai lang luộc thì chiếc L19 trên đầu nâng độ cao gọi pháo bắn vào cánh đồng. Men theo bờ ruộng bậc thang, chúng tôi vượt sông về sở chỉ huy mặt trận Chu Lai báo cáo.

Trời tối, chúng tôi mắc võng qua đêm cách Kỳ Yên không xa. Mờ sáng, chúng tôi đã tiếp cận cánh đồng Kỳ Yên, cũng là lúc đạn pháo lại rơi trên cánh đồng. Chúng tôi bám theo nhau vượt cánh đồng nhằm hướng cửa rừng chạy. Đột nhiên đội hình chững lại. Phía cửa rừng, đạn pháo nổ chát chúa. Trong khói đạn pháo, chúng tôi thấy nhiều bóng người mặc áo bà ba đen sau lưng nặng trĩu hàng dạt vào vách núi, chui vào các ngách địa đạo tránh đạn pháo. Chúng tôi cũng dạt vào địa đạo. Mỗi phát pháo nổ gần, người ngồi trong địa đạo lại bị ép chặt vào trong, nêm chặt. Bỗng ở ngoài cửa địa đạo có tiếng thét lớn:

- Chạy! Mỹ đổ quân!

Tức thì mọi người rời địa đạo chạy theo đường mòn về phía cửa rừng. Hai bên đường chi chít những hố pháo còn âm ỉ khói, khét lẹt. Đã nghe rõ tiếng máy bay trực thăng đáp xuống cánh đồng. Pháo đã ngừng bắn vào khu vực. Trên trời, chiếc L19 bay thấp dòm ngó. Quân Mỹ hoàn tất việc đổ quân chiếm lĩnh cánh đồng Kỳ Yên. Chỉ chậm một chút là chúng tôi đã ở trong vòng nguy hiểm...

 Tác giả-cựu chiến binh Nguyễn Kim Chúc cùng chiếc đài bán dẫn từng được ông sử dụng trong những năm chiến đấu tại chiến trường B5. Ảnh: KIM TRUNG.

Tác giả-cựu chiến binh Nguyễn Kim Chúc cùng chiếc đài bán dẫn từng được ông sử dụng trong những năm chiến đấu tại chiến trường B5. Ảnh: KIM TRUNG.

Về tới Đoàn pháo binh 78, làm công tác chuẩn bị đánh căn cứ không quân Chu Lai, lúc này tôi được giao chỉ huy phân đội trinh sát đo đạc. Hầu hết các chiến sĩ trong phân đội đều vui vẻ hòa đồng, thân thiện, tuy nhiên cũng có người chưa tin tưởng lắm. Có thể do tôi còn trẻ, lại mới ở đơn vị khác chuyển về. Biết vậy tôi càng phải thể hiện mình bằng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chỉ huy. Khoảng 5 giờ chiều, ngày thứ ba tôi làm chỉ huy phân đội, Đoàn trưởng Khổng Doãn Hạng tới giao nhiệm vụ cho tôi trực tiếp chỉ huy một tổ trinh sát đo đạc cùng anh xác định trận địa bắn vào sở chỉ huy sư đoàn Rồng xanh - Nam Triều Tiên ở Tam Kỳ. Khoác khẩu AK báng gấp trước ngực cùng tài liệu, tôi dẫn tổ trinh sát theo đoàn trưởng xuống Kỳ Yên. Dừng lại ở cửa rừng kiểm tra trang bị, thống nhất ký ám hiệu nhận nhau, chúng tôi đi vào vùng địch...

Cuộc “diễn tập” đi vào vùng địch

Trời bắt đầu tối hẳn, các điểm chốt của quân Mỹ bắt đầu bắn lên những quả đạn chiếu sáng. Pháo ở các trận địa quanh vùng bắt đầu nhịp điệu ban đêm: Bắn cầm canh hòng ngăn chặn hoạt động của ta. Lội qua sông, chúng tôi lên tỉnh lộ theo hướng bắc về phía Tam Kỳ. Là người đi thứ hai trong đội hình hành tiến. Tôi giữ khoảng cách cần thiết với Tiểu đội trưởng Phú phía trước. Ngay phía sau tôi là Đoàn trưởng Khổng Doãn Hạng. Tôi nắm chắc khẩu AK báng gấp, đạn đã lên nòng sẵn sàng chiến đấu. Tôi và đoàn trưởng Hạng cùng quê Vĩnh Phú trước đây. Tôi ở huyện Tam Nông (Phú Thọ) còn anh ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Biết vậy nhưng tôi và anh chưa nói được câu nào về quê hương. Anh hơn tôi chừng bảy, tám tuổi. Anh rất kiệm lời, nghiêm nghị, lấy công việc làm trọng. Tôi nghe kể, đã nhiều lần anh đề nghị cấp trên xin được chuyển về đơn vị bộ binh để chỉ huy diệt ác, phá tề.

Lực lượng trinh sát vẫn cảnh giác đi trên tỉnh lộ. Con lộ theo hướng Bắc Nam này đã lâu không có bánh xe lăn. Cây cỏ hai bên đường um tùm lâu không có người phát tỉa rất thuận lợi cho hoạt động của quân ta. Quanh vùng, dân vẫn sống nửa hợp pháp với địch. Ban ngày, từ những nếp nhà dựng tạm, dân vẫn ra đồng canh tác. Bọn Mỹ-ngụy đổ quân càn quét, dân dừng công việc để đấu lý với địch. Ban đêm, nhà nhà im ắng, không một ánh lửa phát ra. Nhưng từ những xóm làng này, đêm đến là thuộc quyền mặt trận giải phóng. Nơi đây chính là nơi cung cấp những thông tin quý giá về tình hình địch trong vùng và cũng là chỗ dựa cho các lực lượng giải phóng hoạt động.

Có tiếng trực thăng bay thấp. Mọi người tản ra ven lộ lẩn vào những bụi cây nhỏ. Tiếng trực thăng bay qua đầu, đèn đỏ nhấp nháy dưới bụng nó. Đây là loại trực thăng vũ trang thường bay tuần tiễu vùng chúng kiểm soát. Bọn chúng có thiết bị nhìn đêm, có đèn pha cực sáng và sau cùng là những họng súng liên thanh. Phát hiện mục tiêu là nó tấn công ngay. Trực thăng bay khỏi, mọi người tiếp tục bước. Yên tâm là không có Mỹ phục, không còn pháo bắn vào khu vực ở thời điểm này.

Theo ánh đèn dù, tôi nhận thấy trước mặt là một khu vực rộng bằng phẳng. Đoàn trưởng dừng lại bảo tôi xác định tọa độ. Với tôi việc này không khó. Dùng cặp tài liệu làm bàn, tôi trải tấm bản đồ địa hình 1/50.000 lấy hướng. Lấy quầng sáng trước mặt (Tam Kỳ) và quầng sáng bên phải sau lưng (Chu Lai) và con lộ, tôi nhanh chóng chỉ cho đoàn trưởng vị trí trên bản đồ. Anh hỏi:

- Đồng chí có nhận xét gì về nơi này nếu được chọn làm vị trí thiết bị bắn.

- Theo tôi, vị trí này nếu được chọn để thiết bị bắn vào Tam Kỳ là được. Tầm bắn hiệu quả. Nhưng phải chú ý cảnh giới, ngụy trang và hướng rút lui cho lực lượng chiến đấu. Vì ở đây bằng phẳng, phía trước có cây cầu sắt nên địch rất đề phòng - Tôi trả lời anh. Anh không nói gì, hô: "Rút".

Chúng tôi theo đường cũ về lại Kỳ Yên. Đi được một đoạn bỗng vang lên tiếng hát tập thể ở cánh rừng bên phải: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước...”. Giọng nam, nữ khỏe khoắn cùng với nhịp vỗ tay vang vọng cả vùng. Tôi chợt nghĩ: “Ở đây có lực lượng của ta đang sinh hoạt tập thể. Tin chắc rằng còn có nhiều đơn vị nữa quanh đây...”. Tôi đang miên man suy nghĩ thì nghe rõ tiếng radio vang lên giọng đọc của đồng chí Lê Duẩn: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa. Song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn...”. Không ai bảo ai, tất cả dừng lại lắng tai nghe như nuốt từng lời Di chúc của Bác Hồ kính yêu. Giọng đọc của đồng chí Lê Duẩn vừa dứt, nhạc buồn nổi lên. Từ phía xa vang lên những lời hưởng ứng: “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!”. Chúng tôi cùng đứng lên bước tiếp, mang theo trong lòng tình thương nhớ Bác và nguyện làm theo những lời dặn của Bác trước lúc Người đi xa.

 CCB Nguyễn Kim Chúc cùng cháu trai đọc lại bài viết của mình được đăng trên báo Quân đội nhân dân. Ảnh: Tuấn Tú

CCB Nguyễn Kim Chúc cùng cháu trai đọc lại bài viết của mình được đăng trên báo Quân đội nhân dân. Ảnh: Tuấn Tú

Trên đường về hậu cứ, đạn pháo vẫn nổ lúc gần, lúc xa, vẫn đi dưới ánh đèn dù khi mờ khi tỏ. Nhưng trong tôi đã vơi đi sự căng thẳng. Vì tôi đã nhận ra: Đây chính là cuộc diễn tập giả định nhằm vào tôi-một cán bộ chỉ huy mới về đơn vị. Đoàn trưởng muốn kiểm tra trình độ chuyên môn và khả năng công tác của tôi. Sau này, trong quá trình chuẩn bị cho các trận đánh lớn vào căn cứ không quân Chu Lai tháng 5-1970 của Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ, tôi và đoàn trưởng Khổng Doãn Hạng đã làm việc với nhau không có sai sót nào. Tôi luôn được giao chỉ huy đài vu hồi, đài luồn sâu thực hiện trinh sát, đo đạc, sửa bắn... Tôi nhận lệnh của anh và cấp trên qua đài 2W. Tôi luôn phục tùng và tin anh trong thực hành tác chiến.

Thời gian đã qua đi nửa thế kỷ, nhưng tôi không bao giờ quên cái thời khắc Đoàn trưởng Khổng Doãn Hạng kiểm tra năng lực của tôi trong cái đêm địch hậu, tưởng cô đơn lại vỡ òa cảm xúc được nghe tiếng hát của đồng đội, được nghe Di chúc của Bác. Chúng tôi ra đi với lòng quyết tâm cháy bỏng: Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để thực hiện di huấn của Người.

NGUYỄN KIM CHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/dem-trong-vung-dich-nam-ay-655277