Đếm từng ngày để mở cửa trở lại, chủ quán karaoke vừa mừng, vừa lo

Các quán karaoke ở Hà Nội sẽ được mở cửa đón khách trở lại nếu khắc phục, đáp ứng các yêu cầu phòng cháy chữa cháy.

Mới đây, UBND Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cùng các quận, huyện về việc tiếp tục thực hiện các thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.

Theo đó, các quán karaoke ở Hà Nội sẽ được mở cửa đón khách trở lại nếu khắc phục, đáp ứng các yêu cầu phòng cháy chữa cháy để được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ.

 Nhiều cơ sở karaoke đã đóng cửa. (Ảnh: Định Trần)

Nhiều cơ sở karaoke đã đóng cửa. (Ảnh: Định Trần)

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn, thống nhất nghiệp vụ cấp, điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho UBND các quận, huyện.

Đây được coi là động thái ban đầu, cho phép hàng nghìn quán karaoke trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại, kể từ tháng 10/2022.

Ghi nhận thực tế tại Hà Nội cho thấy, tại những tuyến phố được coi là “tụ điểm” của karaoke như Nguyễn Khang, Hồ Đền Lừ, hay Trần Thái Tông, các quán karaoke vẫn “đóng cửa, then cài”. Rào chắn thông báo “cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện hoạt động” vẫn được dựng trước cửa các cơ sở kinh doanh này.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Đỗ Thị Hòa, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) đếm từng ngày để chờ hoạt động trở lại, nhưng bà Hòa tỏ ra khá thận trọng trước động thái mới của UBND Hà Nội.

Bà Hòa cho rằng, quyết định của UBND Hà Nội chỉ là thủ tục bước đầu. Để hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh karaoke còn trải qua nhiều khâu kiểm tra, thanh tra, rồi tới khâu nghiệm thu, làm thủ tục, chờ đợi phê duyệt mới được coi là đúng quy trình.

 Trên cửa vẫn có thông báo tạm ngừng hoạt động. (Ảnh: Định Trần)

Trên cửa vẫn có thông báo tạm ngừng hoạt động. (Ảnh: Định Trần)

Theo bà Hòa, chi phí đầu tư để mở một cơ sở kinh doanh karaoke rất cao. Mỗi phòng hát phải cần ít nhất 250 - 500 triệu đồng, để đầu tư vào ánh sáng, âm thanh, hệ thống cách âm,...

Như vậy, một cơ sở kinh doanh karaoke thuộc tầm trung, có khoảng 10 - 20 phòng hát, chủ đầu tư phải bỏ ra từ vài tỷ, cho tới vài chục tỷ đồng đồng. Đây mới chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, chưa tính chi phí phát sinh hàng tháng, như tiền thuê mặt bằng, chi phí bảo trì, tiền lương nhân viên, tiền lãi vay ngân hàng. Bà Hòa tiết lộ, những cơ sở karaoke có quy mô lớn, chi phí đầu tư có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Tôi đầu tư vào cơ sở kinh doanh này từ năm 2015, tính đến nay là hơn 8 năm. Nhưng trong 8 năm đó, thì 2 năm là dịch bệnh phải đóng cửa, các chủ nhà cũng thông cảm hỗ trợ tiền thuê nhà, nhưng chỉ đến hết năm 2021. Năm 2022 được mở một thời gian, thì tiếp tục đóng cửa để khắc phục hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tiền đầu tư ban đầu chưa hồi được vốn, thì nay phải cõng thêm các chi phí phát sinh hàng tháng khoảng 300 - 400 triệu đồng, nặng nhất là chi phí thuê mặt bằng”, bà Hòa nói.

Chủ cơ sở kinh doanh karaoke này cho rằng, việc UBND Hà Nội siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy là đúng, nhưng cơ quan chức năng thực thi cứng ngắc, khiến cho nhiều cơ sở tồn tại trong tình cảnh ngắc ngoải.

“Tất cả chủ cơ sở kinh doanh karaoke đều đồng ý với quyết định của UBND Hà Nội là tạm ngừng hoạt động để nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy sau nhiều vụ việc gây chết người. Nhưng, có những cơ sở đã cải tạo, nâng cấp xong cho tới nay vẫn đóng cửa vì chưa được nghiệm thu, đều phải xếp hàng chờ”, bà Hòa nói.

 Đếm từng ngày để mở cửa trở lại, chủ quán karaoke vừa mừng, vừa lo. (Ảnh: Định Trần)

Đếm từng ngày để mở cửa trở lại, chủ quán karaoke vừa mừng, vừa lo. (Ảnh: Định Trần)

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Kiệt, đại diện một cơ sở kinh doanh khác trên phố Hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai) vừa mừng, vừa lo trước quyết định này. Mừng vì sắp hoạt động trở lại, nhưng lo là đến bao giờ mới được cấp phép.

Ông Kiệt cho biết: Trước đây, tuyến phố này được coi là “trung tâm” karaoke của quận Hoàng Mai, với hàng chục cửa hàng to, nhỏ đủ cả. Thế nhưng, đến nay phân nửa đã đóng cửa, các cơ sở còn lại đóng cửa vô thời hạn cũng không khá khẩm hơn là bao.

“Tôi mới chỉ biết Hà Nội có chủ trương cho phép mở cửa trở lại đối với các cơ sở đủ điều kiện, nhưng thế nào là đủ điều kiện lại là một câu chuyện khác”, ông Kiệt nói.

Khi Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, ông Kiệt đã cải tạo, nâng cấp theo yêu cầu của cơ quan chức năng ít nhất là 3 lần. Nhưng mới đây, lại có quy định mới về phòng cháy, chữa cháy khác cho nên những lần sửa chữa trước đây không được chấp nhận.

“Các quy định phòng cháy, chữa cháy rất hay thay đổi, khiến chúng tôi không kịp xoay sở. Vì vậy, tôi mong rằng, với những cơ sở đã thực hiện sửa chữa, cải tạo theo quy định cũ, có thể cho phép hoạt động, để họ có chi phí để tiếp tục cải tạo theo quy định mới”, ông Kiệt nói.

 Một cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Vọng đã đóng cửa, vì không "gánh" nổi lãi vay hàng tháng. (Ảnh: Định Trần)

Một cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Vọng đã đóng cửa, vì không "gánh" nổi lãi vay hàng tháng. (Ảnh: Định Trần)

Trước đó, ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành công điện số 220 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Một trong những nội dung quan trọng của công điện này, đó là yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dem-tung-ngay-de-mo-cua-tro-lai-chu-quan-karaoke-vua-mung-vua-lo-post243076.html