Đem yêu thương đến với xã đảo Thạnh An

Nhắc đến Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nhắc đến xã đảo, tứ bề là biển, là nắng và gió. Nơi đây, dù kinh tế còn khó khăn nhưng mối lo nhất của người dân vẫn chưa phải là cái ăn, cái mặc mà là mỗi lần ốm đau, bệnh tật, phải chờ phà qua để đưa đi cấp cứu…

Bác sĩ ơi…

Từ đất liền, phải mất 45 phút, con thuyền nhỏ vượt sóng mới đưa phóng viên báo Lao động Thủ đô đến được với xã đảo Thạnh An. Vừa khi tới trạm y tế xã Thạnh An, chúng tôi đã nghe tiếng người dân gọi vọng từ ngoài vào: "Bác sĩ ơi, xem giúp tôi cái tai với, nó đau hai ngày rồi mà không hết”.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng khám bệnh cho người dân xã đảo Thạnh An.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng khám bệnh cho người dân xã đảo Thạnh An.

Ngay lập tức, Bác sĩ Đào Xuân Tùng (32 tuổi, được luân chuyển luân phiên từ Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM) vội vàng chạy ra đón, thăm khám, lấy đèn soi tai bệnh nhân rồi kê đơn thuốc dặn dò. Đáp lại là những tiếng cám ơn không ngừng với vẻ mặt hài lòng, yên tâm của bệnh nhân.

Vừa thăm khám cho trường hợp nói trên xong, các bác sĩ Trạm y tế Thạnh An lại “bắt tay” ngay vào ca bệnh khác. "Tùng với Hưng ở lại trực trạm, anh đến nhà cụ Đi", Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm y tế Thạnh An căn dặn bác sĩ trẻ Đào Xuân Tùng và Nguyễn Tấn Hưng rồi lên đường đến nhà cụ Nguyễn Thị Đi (91 tuổi, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) để khám và tiêm thuốc.

Bác sĩ Trường chạy trên chiếc xe máy cũ kĩ, mang theo hai chiếc túi đựng thuốc và dụng cụ y tế đến nhà bệnh nhân. Vừa tới nơi, bác sĩ Trường được người nhà cụ Đi ra đón niềm nở, bản thân cụ Đi cũng đã ngồi chờ từ lâu. Được biết, sức khỏe của cụ Đi không được tốt, nhà lại ít người nên không thể đến trạm y tế đã nhiều lần phải nhờ các bác sĩ đến tận nhà thăm khám. Sau khi hỏi han bệnh tình một lúc, Bác sĩ Trường tiêm thuốc cho cụ Đi và không quên dặn dò việc uống thuốc và chế độ dinh dưỡng rồi mới an tâm lên xe chạy về lại Trạm y tế.

Xã đảo Thạnh An cách trở với đất liền, phải mất 45 phút đi ghe, đi thuyền mới cập bờ. Mỗi lần chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, chỉ có một bác sĩ của Trạm y tế đi theo cùng với người nhà bệnh nhân. Đây là quãng thời gian “nặng nề” không chỉ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà cả với bác sĩ. Không ai nói ai nhưng ai cũng mang biết bao nỗi lo vì sức khỏe của người dân, mong ghe thuyền cập bờ càng sớm càng tốt. Đó là chưa kể những lần cấp cứu trong đêm, gặp thời tiết xấu, chiếc ghe bấp bênh theo làn sóng... cả người nhà bệnh nhân và bác sĩ nhiều phen “thót tim”.

Bác sĩ trẻ Đào Xuân Tùng nhớ lại kỷ niệm một lần chuyển bệnh nhân đi cấp cứu vào giữa trưa. Lúc này bản thân cùng bác sĩ Luân Thanh Trường đưa bệnh nhân lên cano, tức tốc chạy vào đất liền để kịp thời cứu chữa. Do chỉ mới đến xã đảo được 3 ngày, còn nhiều bỡ ngỡ và chưa quen cái nắng gắt nơi đây, nên Bác sĩ Tùng bị ngất xỉu ngay sau khi đưa bệnh nhân tới được đất liền.

Niềm vui nơi xã đảo

Để tăng cường dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo Thạnh An, ngành y tế TP.HCM đã tăng cường y bác sĩ trẻ tình nguyện đồng thời thiết lập mạng lưới cấp cứu hiện đại. Hiện Trạm Y tế Thạnh An có khoảng 11 nhân sự gồm 3 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ xung phong đăng ký tình nguyện luân phiên ra xã đảo Thạnh An theo lời kêu gọi của Sở Y tế TP.HCM trong tháng 2/2023 vừa qua.

Kể về những ngày đầu đến với xã đảo, bác sĩ Đào Xuân Tùng cho biết, bản thân không khỏi bất ngờ với khung cảnh yên bình, mộc mạc ở xã đảo. Không còn là những con phố ồn ào, những tiếng còi xe inh ỏi... mà thay vào đó là những lời chào rôm rả của người dân khi gặp các bác sĩ trẻ. Chính tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây đã khiến anh càng có quyết tâm làm thật tốt nhiệm vụ của mình.

Bác sĩ Luân Thanh Trường đến nhà cụ Nguyễn Thị Đi để khám bệnh và tiêm thuốc.

Bác sĩ Luân Thanh Trường đến nhà cụ Nguyễn Thị Đi để khám bệnh và tiêm thuốc.

Được sinh sống, phục vụ người dân, bác sĩ Tùng càng hiểu rõ hơn sự khó khăn của người dân cũng như các đồng nghiệp ở xã đảo. “Bệnh nhân ở xã đảo không nhiều như ở trong nội thành TP.HCM, nên việc khám và chữa bệnh cũng thuận lợi hơn. Các bác sĩ có nhiều thời gian hơn để thăm hỏi, chia sẻ, tâm sự với các bệnh nhân, nhằm biết được nguyên nhân thực sự dẫn đến bệnh để giải quyết dứt điểm, chứ không phải chỉ điều trị các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải”, Bác sĩ Đào Xuân Tùng chia sẻ.

Trong khi đó, Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng cho biết, từ khi mới ra trường bản thân may mắn được làm việc ở một bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, khi tham gia chương trình tình nguyện ra xã đảo Thạnh An để khám bệnh cho người dân, anh mới hiểu được sự khó khăn của người dân và cơ sở vật chất y tế nơi đây. "Cơ sở vật chất y tế tại xã đảo không được tốt như ở TP.HCM, nhất là tình trạng thiếu thuốc luôn xảy ra vì cơ số thuốc ở trạm y tế không được như các bệnh viện. Vì vậy, khi khám chữa bệnh cho người dân, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều về việc kê đơn thuốc, nếu không có những loại thuốc trong đơn, thì chúng tôi phải tìm những thuốc khác có cùng tác dụng để điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Đến khám bệnh tại Trạm y tế, bà Quảng Thị Hoàng Oanh (64 tuổi, ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An) cho biết: Trước đây để nhận thuốc điều trị bà phải canh đúng giờ để đi ghe sang bệnh viện huyện, cả đi lẫn về hết một ngày. Vì vậy con cháu phải bỏ việc theo bà vào bờ. Bây giờ, khám bệnh ngay tại trạm, thuốc được cấp đủ, không riêng bà mà nhiều bệnh nhân khác đều rất vui. "Trước kia có bệnh gì thì tôi đều tự đi mua thuốc để uống, nếu bị nặng quá thì nhờ con cháu đưa vào bệnh viện huyện để khám. Nhưng từ khi Trạm y tế xã đảo được làm mới, có thêm các bác sĩ trẻ và máy móc về, tôi yên tâm ra trạm y tế khám bệnh. Giờ đây mỗi lần bị gì, tôi đều ra trạm nhờ các bác sĩ điều trị, đỡ mất công phải đi ghe để sang bệnh viện huyện", bà Oanh vui vẻ nói.

Theo Bác sĩ Luân Thanh Trường, xã đảo Thạnh An có khoảng 5.000 người dân, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản và làm muối. Trước đây, để khám bệnh, người dân phải dành nhiều tiếng đồng hồ vượt biển vào đất liền do ở xã đảo thiếu bác sỹ và các phương tiện, máy móc kỹ thuật. Mấy tháng nay, các bác sỹ trẻ luân phiên tình nguyện đến xã đảo đã mang luồng sinh khí mới, cải thiện chất lượng phục vụ y tế của xã đảo hơn rất nhiều, người dân cũng yên tâm đến khám và chữa bệnh nhiều hơn. Nhờ đó tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế đã tăng hơn 40% so với trước. Trong đó hơn 150 ca được sử dụng máy chụp X-quang.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dem-yeu-thuong-den-voi-xa-dao-thanh-an-152847.html