Đến 2030, giải quyết dứt đểm 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện, xã và cán bộ không chuyên trách

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giai đoạn 2023-2025, dự kiến sắp xếp lại 47 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.247 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, dự kiến có 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách dôi dư, cần giải quyết dứt điểm vào năm 2030.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn

Tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22/8, các đại biểu tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Với vấn đề cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Hiện nay, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách và gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong thời gian tới có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, nêu câu hỏi chất vấn

Về vấn đề thu hút nhân tài, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, nêu câu hỏi: Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tạo nguồn chiến lược cán bộ và theo Kết luận 86 cũng như Nghị định 140 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ra trường, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc. Vậy, đến nay việc thu hút sinh viên xuất sắc đạt được kết quả như thế nào và tỷ lệ thu hút sinh viên xuất sắc của cấp Trung ương và các địa phương ra sao?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ chiến lược phát triển cán bộ, thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công. Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 86, Chính phủ có Nghị định số 140.

Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2021, cả nước ta mới thực hiện việc thu hút sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ đối với 2.891 người, trong đó ở trung ương là 1.110 người, ở địa phương 1.781 người. Trong nội dung này, các địa phương đã xây dựng chính sách đặc thù để thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào khu vực công.

Sau khi có Nghị định 140, trong năm 2022 và 2023, cả nước tiếp tục thu hút được 584 người, trong đó ở trung ương 170 người, ở địa phương 414 người.

Với mong muốn, yêu cầu đặt ra rất cao trong vấn đề này, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, hướng tới xây dựng chính sách rộng hơn để thu hút hiệu quả sinh viên xuất sắc, người có tài năng vào hệ thống chính trị.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, nêu câu hỏi chất vấn từ điểm cầu tỉnh Vĩnh Long về vấn đề cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, nêu câu hỏi chất vấn từ điểm cầu tỉnh Vĩnh Long về vấn đề cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Trả lời đại biểu về vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ các chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2023 - 2025, khi dự kiến phương án sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện); dự kiến sắp xếp 1.247 đơn vị hành chính cấp xã (sẽ giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã).

Theo đó, dự kiến có 21.800 cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách dôi dư. Trong đó, cấp huyện dôi dư khoảng 1.200 người. Cán bộ, công chức cấp xã dự kiến dôi dư là khoảng 13.100 người. Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.100 người. Như vậy, số lượng dôi dư này cần được giải quyết dứt điểm cho đến năm 2030.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Nghị định số 29 về tinh giản biên chế, theo đó, đến thời điểm này, có 46/54 địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư. Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ, chính sách dôi dư là rất lớn. Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, theo phân cấp ngân sách thì các địa phương phải cân đối để bố trí nguồn kinh phí sắp xếp cán bộ dôi dư theo các Nghị định của Chính phủ cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh mình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý, đối với các địa phương không cân đối được ngân sách, cần sớm tổng hợp để Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán nguồn kinh phí giải quyết tinh giản biên chế, trong đó có việc thực hiện chính sách dôi dư cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/den-2030-giai-quyet-dut-dem-21800-can-bo-cong-chuc-doi-du-o-cap-huyen-xa-va-can-bo-khong-chuyen-trach-20240822093307247.htm