Đến Biển Đông, nhóm tàu sân bay Anh sẽ 'né' eo biển Đài Loan

Trong chuyến hải trình đầu tiên, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh được cho là sẽ không đi qua eo biển Đài Loan nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc.

Tờ The Telegraph (Anh) ngày 14-4 đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh, trong chuyến đi lớn đầu tiên của mình, sẽ đi theo một tuyến hải trình đầy tranh cãi nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc.

Theo đó, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh sẽ đi qua Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng mà Trung Quốc những năm gần đây đang ngày càng tỏ ra quyết đoán. Tuy nhiên, nhóm tác chiến sẽ không đi qua eo biển Đài Loan, thay vào đó sẽ đi về phía đông và kết thúc chuyến hải trình tại Nhật.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh (giữa). Ảnh: KYLE HELLER

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh (giữa). Ảnh: KYLE HELLER

Tuy nhiên, quyết định không điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trị giá 4,2 tỉ USD, qua eo biển Đài Loan trong chuyến hành trình vốn tập trung vào các hoạt động tự do hàng hải, đã dấy lên sự ngạc nhiên của dư luận, trong bối cảnh sự quyết đoán của Bắc Kinh tại eo biển này ngày càng gia tăng.

The Telegraph dẫn lời ông Iain Duncan Smith - cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ (Anh) - cho rằng Chính phủ và Hải quân Hoàng gia Anh “cần phải suy nghĩ lại về hành trình này”.

“Tôi hài lòng về việc nhóm tác chiến tàu sân bay được triển khai ở Biển Đông, nhưng hạm đội này cần kết thúc quá trình bằng cách đi qua eo biển Đài Loan, theo đó cho Trung Quốc biết rằng họ không chấp nhận các hành động hung hăng của Bắc Kinh đối với các láng giềng. Tôi hy vọng họ sẽ xem lại hải trình của mình, và đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra” – ông Smith cho biết.

Theo ông Tobias Ellwood - chủ tịch ủy ban quốc phòng Hạ viện Anh, chuyến đi lớn đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay được “triển khai như một tuyên bố ý định quan trọng”, song ông lo ngại rằng tuyên bố này có thể bị “giảm bớt” vì “sợ làm mất lòng”.

Ông Ellwood cho biết “mục đích” của chuyến hải trình đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “là để chống lại chủ nghĩa độc đoán của Trung Quốc”.

“Nhiều người sẽ tự hỏi việc tàu sân bay tới Biển Đông sẽ làm thay đổi hành vi của Trung Quốc như thế nào. Rõ ràng là điều đó sẽ không xảy ra, mà thay vào đó, chúng tôi đang thay đổi hành vi của mình” - ông Ellwood bày tỏ.

Trong khi đó, ông Robert Clark - thành viên quốc phòng tại Hiệp hội Henry Jackson - cho biết chuyến đi sẽ gửi “một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc và bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế”.

Liên quan tuyến đường hàng hải đến Nhật, ông Clark cũng nhấn mạnh rằng “nhóm tác chiến nên tiếp tục tiền lệ của Hải quân Pháp hai năm trước và đi qua vùng biển quốc tế của eo biển Đài Loan”.

“Điều này sẽ phù hợp với chính sách hàng hải của Mỹ và Anh về việc công nhận quyền tự do của các vùng biển quốc tế” – ông Clark nói.

Trước đó, theo hãng tin Reuters, một tàu chiến Pháp hồi tháng 4-2019 đã đi qua eo biển Đài Loan, một động thái hiếm hoi của một quốc gia châu Âu, khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc đã thông báo với Pháp rằng họ không còn được mời tham dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đô đốc Lord West của Hải quân Hoàng gia Anh tin rằng một động thái như vậy là "không cần thiết", cho rằng “việc đi qua Biển Đông là đủ để gửi đi một tuyên bố".

Chuyến hải trình dự kiến của nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh. Ảnh: TELEGRAPH

Chuyến hải trình dự kiến của nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh. Ảnh: TELEGRAPH

The Telegraph cũng tiết lộ rằng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ triển khai từ căn cứ Portsmouth bắt đầu từ ngày 24-5, trong khi lực lượng của Hải quân Anh tại Portsmouth được thông báo sẵn sàng từ ngày 18-5.

Các nguồn tin cho hay có khả năng nhóm tác chiến sẽ bắt đầu chuyến đi đầu tiên của mình sớm nhất là vào ngày 23-5.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có sự hộ tống của hai tàu khu trục Type 45, hai tàu hộ tống Type 23, một tàu ngầm hạt nhân, một tàu tiếp liệu lớp Tide và tàu tiếp tế RFA Fort Victoria.

Điểm dừng đầu tiên của nhóm tác chiến sẽ là Gibraltar, trước khi đi qua Địa Trung Hải đến Kênh đào Suez, trong thời gian đó Hải quân Hoàng gia Anh sẽ có các cuộc tập trận với các đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các đối tác ngoài khối này. Các cuộc tập trận này sẽ bao gồm các nội dung tác chiến chống tàu ngầm.

Tiếp đó, nhóm tác chiến sẽ di chuyển qua kênh đào Suez, đến Duqm - căn cứ của Anh ở Oman – trong tối đa một tuần, trước khi đi ra khu vực Ấn Độ Dương và tham gia các cuộc tập trận chung hạng nhẹ với hải quân Ấn Độ, sau đó là một chặng dừng ngắn ở Singapore. Chuyến đi sẽ kết thúc với một đến hai tuần tập trận chung với Nhật và Mỹ.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/den-bien-dong-nhom-tau-san-bay-anh-se-ne-eo-bien-dai-loan-979150.html