Đến Đà Nẵng 'cưỡi' sóng bạc

Do yếu tố về khí hậu, Đà Nẵng không có những con sóng cao, tuyệt vời khiến cho những người mê lướt sóng đổ xô. Nhưng nếu chọn bãi biển để thử và trải nghiệm cảm giác 'đi trên đầu sóng' thì biển Đà Nẵng chính là lựa chọn hoàn hảo.

Do yếu tố về khí hậu, Đà Nẵng không có những con sóng cao, tuyệt vời khiến cho những người mê lướt sóng đổ xô. Nhưng nếu chọn bãi biển để thử và trải nghiệm cảm giác "đi trên đầu sóng" thì biển Đà Nẵng chính là lựa chọn hoàn hảo.

Các thành viên trong "Danang Local Surf team" có chung niềm đam mê với bộ môn lướt sóng.

Các thành viên trong "Danang Local Surf team" có chung niềm đam mê với bộ môn lướt sóng.

Dọc bãi cát vàng mịn trên bãi Mỹ Khê, nơi được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, có rất đông du khách thong dong nằm phơi nắng, một số vị khách lom khom tập các động tác lướt sóng cùng với người hướng dẫn. Dưới ánh nắng dịu nhẹ của tiết trời tháng 2, một chàng trai da ngăm đen nở nụ cười duyên liên tục trò chuyện với các vị khách tây bằng tiếng Anh lưu loát với ngữ điệu đậm chất người bản địa. Chàng thanh niên này có tên gọi thân mật là Tin Tin, 31 tuổi, một người dân Đà Nẵng. Gần 2 năm trở lại đây, môn lướt sóng dần trở nên phổ biến và được người dân địa phương yêu thích và anh Tin là một trong số đó.

Thời gian trước, bãi biển Đà Nẵng đã nhộn nhịp với bộ môn lướt sóng nhưng đa phần là các vị khách Tây đến chơi và lâu dần gây cảm hứng cho các thanh niên bản địa. "Hằng ngày ra biển, tôi thấy những vị khách du lịch chơi lướt sóng rất thú vị và cũng bắt đầu ra biển làm quen và học hỏi từ chính các vị khách tây đến đây. Đà Nẵng lợi thế có biển rất đẹp, sóng lại nhỏ phù hợp cho những người lướt sóng lần đầu nhưng dân bản địa lại chưa biết nhiều. Khi học hỏi từ các vị khách này bản thân tôi cũng biết nhiều câu chuyện, những con người hay và họ cũng hào hứng khi được người dân bản địa giới thiệu văn hóa, phong tục của địa phương", anh Tin cho biết.

Giờ đây, anh Tin đã gắn kết được gần 15 người cùng sở thích bộ môn lướt sóng và sinh hoạt trong nhóm có tên gọi "Danang local surf team" và thường xuyên có mặt tại bãi biển Mỹ Khê. Không chỉ giao lưu, học hỏi thêm về lướt sóng, mọi người tập trung tìm hiểu về cách làm ván, kỹ thuật chơi rồi phát triển dần dưới hình thức cho thuê ván, dạy lướt sóng và nhận sửa ván khi có nhu cầu. Trong cuộc trò chuyện rôm rả về lướt sóng của các thành viên, tôi được biết anh Lương Văn Thạch - một thành viên của nhóm có công việc kinh doanh nước giải khát dưới bãi biển. Anh Thạch bật mí rằng mới chỉ biết chơi lướt sóng hơn 1 tháng nay và học lỏm được từ những người kinh doanh cho thuê ván. "Xung quanh quán nước có các cửa hàng cho thuê ván ngay sát biển, tôi thấy khách du lịch tập chơi lướt sóng hay quá, thế là mình nhìn cách họ được hướng dẫn rồi học theo. Tập tành khoảng 2 tuần thì tôi đã lướt sóng được và khi quen được các bạn trong Surf team, nhờ các thành viên chỉ dẫn, học hỏi thêm kỹ năng giờ đã dần thành thạo hơn", anh Thạch chia sẻ.

Khách du lịch hào hứng với bộ môn lướt sóng.

Khách du lịch hào hứng với bộ môn lướt sóng.

Theo kinh nghiệm của anh Tin thì cứ vào độ tháng tháng 3 là thời điểm lướt sóng tuyệt vời ở Đà Nẵng vì lúc này có những cơn sóng to. Trên chiếc ván dài chừng 2m, những vị khách đứng lên rồi sử dụng các kỹ năng điều khiển ván để lướt trên đầu sóng. Phần khó nhất của bộ môn này là take off - đứng trên ván và điều khiển, tuy nhiên khả năng này sẽ cải thiện khi luyện tập nhiều. "Có nhiều khách hàng đã có thể take off ngay sau khoảng 30 phút tập luyện. Nhớ nhất là vị khách nhí 10 tuổi đến từ Hàn Quốc của Tin, mặc dù không biết bơi nhưng khi tham gia thì cô bé đã chơi rất tốt, đã có thể đứng trên ván và lướt theo con sóng. Thấy được nụ cười hạnh phúc của bé khiến tôi thêm yêu bộ môn này. Chia sẻ kiến thức và giúp đỡ những người mới bắt đầu là một việc thực sự thú vị", Tin tâm sự.

Ở ngoài biển cả ngày, hầu như các thành viên đều có làn da cháy nắng nhưng bù lại mọi người được kết nối với nhiều khách du lịch ở các nước trên thế giới. Mỗi ngày gặp mỗi vị khách khác nhau, học hỏi được những điều hay, thậm chí là giúp cho khả năng nói tiếng Anh của các thành viên tiến bộ hơn. Anh Đỗ Lộc (Việt kiều Mỹ về Đà Nẵng thăm gia đình) biết đến nhóm của anh Tin thông qua facebook và hầu như thời gian ở Đà Nẵng anh đều ra biển lướt sóng với các thành viên. "Các thành viên trong nhóm cũng như Tin Tin đều nói tiếng Anh rất hay, giao tiếp với khách du lịch với tấm lòng cởi mở. Thông qua bộ môn lướt sóng, các bạn trẻ ở địa phương không chỉ phát triển bộ môn đến với nhiều người mà còn giúp cho du lịch ở Đà Nẵng thêm phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc đậm nét của người dân bản địa".

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_220661_den-da-nang-cuoi-song-bac.aspx