Đến hẹn lại lên
HNN - Chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, ngay từ mồng 1 tháng 4 âm lịch, 7 đóa hoa sen đã được hạ thủy trên dòng sông Hương để 3 ngày sau đó, vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch, tiến hành nghi lễ thắp sáng tại bến Nghinh Lương Đình.

Không khí Phật đản ở một ngôi chùa trên đường Lê Duẩn
Thật ấn tượng khi biết rằng, mỗi đóa hoa sen với đường kính 7,6m, cao gần 4m, trọng lượng 300kg được hạ thủy và 7 đóa sen hồng với tổng cộng 168 cánh sen được vận chuyển từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế về tập kết tại bờ sông Hương để lắp ráp. Bảy đóa hoa sen trên sông Hương lần đầu tiên xuất hiện vào Đại lễ Phật đản - Vesak Liên hiệp quốc 2008. Đã trải qua 17 năm rồi, 7 đóa sen khổng lồ này được duy trì và hiện diện trên sông Hương, trở thành truyền thống báo hiệu mùa Phật đản đã về.
Ngắm nhìn 7 đóa sen hồng mùa Phật đản, tôi nhớ tới Chúa Nguyễn Hoàng. Chuyện rằng, vào trấn thủ Thuận Hóa xưa, Chúa đích thân xem xét địa thế. Một lần rong ruổi, ông bắt gặp ngọn đồi nhỏ Hà Khê, thế đất như con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân cho biết, ban đêm lại có bà lão mặc áo đỏ xuất hiện báo rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tư tưởng lớn của Chúa như bắt nhịp cùng ý nguyện người dân. Vậy là, vào năm 1601, một ngôi chùa được dựng lên trên đồi, nhìn ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ.
Cùng với Thiên Mụ, Huế còn tự hào có nhiều ngôi chùa lớn bên dòng Hương giang, mỗi nơi mang một dấu ấn riêng. Có thể kể đến là chùa Diệu đế, một trong ba ngôi Quốc tự dưới Triều Nguyễn, nằm bên bờ sông Hộ thành, gần cầu Gia Hội; là chùa Từ Đàm, trung tâm Phật giáo lớn ở Huế, nằm cách sông Hương không xa. Hay chùa Báo Quốc, một trong những ngôi chùa cổ kính ở Huế, nằm trên đồi nhỏ Hàm Long, rất gần dòng Hương; chùa Thiền Lâm, nổi tiếng với phong cách kiến trúc hiện đại pha lẫn truyền thống, nằm gần khu vực đồi Thiên An, không trực tiếp giáp sông Hương nhưng thuộc vùng ngoại ô gần dòng sông.
Rõ ràng, không chỉ là biểu tượng văn hóa và lịch sử, dòng sông Hương ở Huế còn gắn liền với những ngôi chùa cổ kính, mang đậm dấu ấn Phật giáo và tâm linh. Dịp đản sanh, chùa Thiên Mụ là trung tâm tổ chức nhiều nghi lễ trang nghiêm, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các hoạt động như tắm Phật, phóng sinh và thả hoa đăng trên sông Hương tạo nên khung cảnh lung linh và huyền ảo. Đó cũng là hình ảnh thân quen gắn liền với Diệu Đế, Báo Quốc, Từ Đàm hay nhiều ngôi chùa khác nữa ở Huế.
Đèn lồng được treo ở đôi bờ, hoa đăng gắn với đêm về như một lời gửi gắm và nguyện cầu trên dòng sông tâm linh và huyền thoại. Còn như một nhịp điệu không đổi, cứ mỗi mùa Phật đản, 7 đóa sen lại nở trên sông Hương, báo hiệu thời khắc thiêng liêng, thêm một mùa Phật đản nữa lại về. Không chỉ là biểu tượng truyền thống, đó còn thể hiện sự sáng tạo, hòa nhập với các giá trị hiện đại trong cách tổ chức lễ hội Phật đản, là nét văn hóa đặc trưng của con người Cố đô: Rộng mở, khai phóng và luôn khát khao hội nhập.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/den-hen-lai-len-153419.html