Thủ lĩnh Nùng Trí Cao trong tâm thức nhân dân Cao Bằng

Nùng Trí Cao, người Tày, quê ở động Tượng Cần (nay là xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) là con của Nùng Tồn Phúc - thủ lĩnh châu Thảng Do. Thời niên thiếu, Nùng Trí Cao rất siêng năng học chữ và rất ham mê võ nghệ. Khi thấy các con đến tuổi học võ và mong muốn cho các con sớm có võ nghệ cao cường, thủ lĩnh Nùng Tồn Phúc đã mời riêng một võ sư về nhà chuyên dạy cho các con. Lên 8 tuổi, Nùng Trí Cao đã theo anh trai ra thao trường luyện tập múa kiếm, múa giáo, bắn cung, đua ngựa.

Bất bình với sự sách nhiễu cống phú của triều đình, năm 1038, Nùng Tồn Phúc đã tổ chức quân đội, xây dựng thành trì, lập nước Trường Sinh; sau đó bị vua Lý Thái Tông trấn áp nên thất bại.

Năm 1039, vì bố và anh trai cả qua đời, Nùng Trí Cao sang bên ngoại nhờ cậu Đường Thanh - Động trưởng động Lôi Hỏa dạy bảo thêm đường côn, đường kiếm. Mới 17 tuổi, Nùng Trí Cao đã to lớn, vạm vỡ, khỏe mạnh, lanh lợi, hoạt bát như những chàng trai đôi mươi. Do miệt mài khổ luyện, Nùng Trí Cao đã nhanh chóng trở thành tay cung thiện xạ, huấn luyện con long mã thành con ngựa thiện chiến. Nùng Trí Cao đã trưởng thành, tự lượng sức; đã có đủ tài đứng ra làm việc dân, việc động, việc nước.

Năm 1041, Nùng Trí Cao cùng mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa trở về châu Thảng Do tập hợp, chiêu tập binh mã dựng nước Đại Lịch. Nùng Trí Cao bị vua Lý bắt, được triều đình nhà Lý đưa về học hành tại kinh đô Thăng Long cùng tôn thất nhà Lý. Vua Lý phong ông làm Châu mục Quảng Nguyên và giao cho cai quản bốn động (Lôi Hỏa, Bình, An, Bà) và châu Tư Lang (thuộc các huyện Trùng Khánh và Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng ngày nay). Năm 1043, Nùng Trí Cao được nhà Lý phong chức Thái bảo, cấp ấn Đô tướng.

Châu Quảng Nguyên là một vùng đất giàu có, nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc. Tiếp giáp với Quảng Nguyên ở phía tây như Hà Giang, Tuyên Quang cũng là những địa phương có khả năng kinh tế to lớn dựa vào đồng, chì... Do đó, các triều đại phong kiến phương Bắc, nhất là nhà Tống luôn lăm le dòm ngó, âm mưu thôn tính xâm lược. Am hiểu sâu sắc vấn đề đó, Nùng Trí Cao đã thể hiện vai trò tích cực trong nhiệm vụ trấn giữ và làm phên dậu trên một vùng biên thùy trọng yếu.

Năm 1050, nhà Tống phát động cuộc chinh Nam. Khi quân Tống xâm phạm vùng biên giới, Nùng Trí Cao lập tức tập hợp lực lượng nổi dậy ở động Vật Ác, chiếm cả châu An Đức (Quảng Tây, Trung Quốc) làm căn cứ địa, xây dựng nước Nam Thiên, lấy hiệu là Cảnh Thụy, phát động chiến tranh chống Tống. Nùng Trí Cao bắt sống chỉ huy sứ Ung Châu là Kỳ Bân, đem quân đánh phá Quảng Đông, Quảng Tây làm quân Tống chống cự không nổi.

Sau khi chiếm châu An Đức, Nùng Trí Cao dựa vào địa hình rừng núi, lập căn cứ chiêu nạp quân sĩ, tích trữ lương thực, hoạch định hướng tiến công sang đất Tống. Khi lực lượng trở nên hùng hậu, tháng Tư năm Nhâm Thìn (năm 1052), Nùng Trí Cao đem 5.000 quân tiến đánh thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay), giết tri châu Trần Cung và đô giám Quảng Tây Trương Lập.

Để nhanh chóng tập hợp quần chúng, quân Nùng Trí Cao phá nhà tù, ra lệnh đại xá, mở các kho lương thực phát cho dân và được quảng đại quần chúng hoan nghênh, dọc đường quần chúng đua nhau gia nhập đội ngũ Nùng Trí Cao. Lực lượng Nùng Trí Cao ngày càng phát triển và lan rộng khiến cho quân Tống ở vùng Lưỡng Quảng hoang mang lo sợ và chống cự yếu ớt, nhanh chóng quy hàng. Cuộc tiến công thắng lợi, Nùng Trí Cao lập nước Đại Nam, xưng là Nhân Huệ hoàng đế và đổi niên hiệu là Khải Lịch. Thanh thế của quân Nùng Trí Cao ngày càng lớn, chỉ trong vòng hai tuần đã tiến đến chiếm thành Quảng Châu. Nhà Tống lo sợ, nhiều lần đem quân tấn công nhưng đều thất bại, ngày một mất thêm đất, mất dân.

Năm 1053, vua Tống cử Tống Địch Thanh làm Tuyên phủ sứ đánh Nùng Trí Cao. Khi bị nhà Tống truy đuổi, mặc dù quân Nùng Trí Cao được sự tiếp viện của triều đình nhà Lý nhưng không cứu vãn nổi tình thế. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao hoàn toàn bị dập tắt. Sau khi ông mất, Vua Lý thương xót cho lập đền thờ ông ở động Tượng Cần (Đền Kỳ Sầm, xóm 9, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng), đặc chiếu sắc phong là Khâu Sầm Đại vương (vua lớn của núi Khâu Sầm). Đền thờ được nhà Lý phong Thượng Đẳng thần, xuân thu nhị kỳ quốc tế; các triều đại sau gia phong mỹ tự: Khâu Sầm tế thế, an dân hãn ngoại, ninh thủy trấn dịch, anh nghị quả đoán hiển ứng thùy hưu, hộ quốc an dân Đại Vương.

Đền Kỳ Sầm là điểm đến tâm linh nổi tiếng, mang dấu ấn kiến trúc đẹp.

Đền Kỳ Sầm là điểm đến tâm linh nổi tiếng, mang dấu ấn kiến trúc đẹp.

Nùng Trí Cao đã phát huy tốt vai trò người lãnh đạo, người đứng đầu, tổ chức, cai quản vùng đất châu Quảng Nguyên. Triều Tống thường cho quân quấy nhiễu vùng biên giới, âm mưu xâm lược, cướp bóc nguồn tài nguyên khoáng sản của Quảng Nguyên. Xuất phát từ lòng yêu quê hương, bảo vệ biên cương của đất nước, Nùng Trí Cao xây dựng lực lượng hùng mạnh nhằm chống lại nhà Tống xâm lược. Cuộc nổi dậy và chiến tranh kéo dài từ năm 1048 đến năm 1053 của Nùng Trí Cao trên đất Tống (vùng Quảng Tây, Quảng Đông ngày nay) vừa có tính chất chống lại chế độ áp bức, bóc lột của triều đình Tống, đồng thời, quan trọng hơn là thực hiện nhiệm vụ tự vệ, tiến công để tự vệ với mục đích chính là gây thiệt hại nặng về hậu cần kỹ thuật, tiêu diệt lực lượng quân Tống, làm nhụt chí và làm phá sản tham vọng bành trướng của nhà Tống xuống phía Nam. Có lẽ trên cơ sở kinh nghiệm này, hơn 20 năm sau, nhà Lý đã mở cuộc tấn công thành Ung Châu để chủ động tiêu diệt các căn cứ chuẩn bị xâm lược của quân Tống đối với nước ta.

Cuộc nổi dậy chống quân Tống của Nùng Trí Cao được ghi dấu ấn đậm nét trong những trang sử đấu tranh của dân tộc và ông cũng là người đại diện cho ý chí và sức mạnh của nhân dân Cao Bằng trong việc bảo vệ và giữ vững biên cương của Tổ quốc ở thế kỷ XI. Nhân dân tôn vinh những thành tựu xây dựng, bảo vệ quê hương của ông gắn với cuộc kháng chiến chống quân Tống của Đại Việt dưới triều Lý.

Trong tâm thức nhân dân, Nùng Trí Cao là thủ lĩnh thanh liêm, có đức độ. Do đó các quan, tướng lĩnh của Nùng Trí Cao cũng liêm khiết và chăm lo tu dưỡng đức độ, không gây phiền hà, sách nhiễu dân chúng. Chiến thắng trở về, Nùng Trí Cao lo việc chấn chỉnh bộ máy. Ông chọn những người ở địa phương có uy tín, có đức độ, tài năng, biết chữ nghĩa ra làm việc. Ông cấm ngặt các quan ăn hối lộ, biếu xén, cấm sách nhiễu dân để dân được yên ổn làm ăn. Nùng Trí Cao chăm lo mở mang nhiều ngành nghề, sắp xếp việc làm, khuyến khích khai hoang. Ông tập hợp những người làm thuốc, biết nghề thuốc lập ra những nhà chữa bệnh cho dân. Ông nhắc các động, các châu lưu ý mở nhiều trường, nhiều lớp dạy chữ cho các cháu nhỏ trong độ tuổi cần học...

Với tư tưởng, hành động, việc làm nêu trên, cộng đồng người Tày, Nùng ở châu Quảng Nguyên cho rằng Nùng Trí Cao là người có công vô cùng lớn, người tràn đầy sự dũng cảm, một người anh hùng dân tộc.

Trong quan niệm và niềm tin của nhân dân, Nùng Trí Cao là vị thần giúp nhân dân làm ăn sung túc, mùa màng bội thu, nuôi lợn, gà, trâu, bò sinh sôi đàn đống, tạo ra mưa thuận gió hòa, chống được hạn hán, lũ lụt... Nùng Trí Cao mang hình ảnh của một vị thần sáng tạo trong nông nghiệp.

Trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian, Nùng Trí Cao từ một nhân vật lịch sử đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một vị thần sáng tạo, một anh hùng huyền thoại trong đời sống tâm linh của người dân Cao Bằng.

Để tưởng nhớ ơn đức của Nùng Trí Cao, nhân dân nhiều nơi lập nhiều đền thờ cúng ông: đền Kỳ Sầm ở Bản Ngần (nay là xóm 9, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ, ngày 7/1/1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin); đền thờ Nùng Trí Cao tại thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa (được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 63/QĐ-UBND, ngày 13/1/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng); đền thờ Nùng Trí Cao tại xóm Cốc Vường, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2821/QĐ-UBND-VX, ngày 26/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng); đền thờ Nùng Trí Cao tại xóm Bản Hà, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1430/ QĐ-UBND-VX, ngày 27/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng); đền Bà Hoàng thuộc phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, thờ Minh Đức Hoàng hậu A Nùng (vợ của Nùng Tồn Phúc), mẹ của Nùng Trí Cao (được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2485/QĐ-UBND, ngày 4/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng).

Vào dịp đầu xuân hằng năm, tại các điểm này, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội. Đến dự đông vui nhất là Lễ hội đền Linh Ấn (hay đền Kỳ Sầm) được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân ở nhiều vùng, miền đến trẩy hội. Việc thờ cúng Nùng Trí Cao bao gồm các quy tắc, nghi thức, hành lễ nghiêm trang trong các ngày lễ hội biểu thị sự tôn sùng của nhân dân với Nùng Trí Cao.

Việc tổ chức lễ hội, tôn thờ Nùng Trí Cao hiện nay ở các địa phương mang ý nghĩa tích cực, là hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân. Đồng thời thể hiện tư tưởng, tình cảm, truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương đối với Nùng Trí Cao - người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống dưới thời Lý ở thế kỷ XI.

Nông Hải Pín

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-linh-nung-tri-cao-trong-tam-thuc-nhan-dan-cao-bang-3177128.html