Đến hết năm 2024:Giá vàng sẽ diễn biến ra sao?
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường vàng trong nước biến động mạnh bởi ảnh hưởng từ thị trường quốc tế và nhu cầu về vàng của người dân gia tăng. Thời gian tới, chuyên gia dự báo giá kim loại quý này diễn biến theo hướng đi lên.
Thị trường sôi động
Đánh giá về thị trường vàng từ đầu năm đến nay, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, thị trường diễn biến sôi động, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn từ đầu năm đến cuối tháng 4, giá vàng miếng SJC do thị trường quyết định, nguồn cung vàng không nhiều, chủ yếu là mua đi, bán lại trên thị trường. Giá vàng liên tục tăng, từ mức 76 triệu đồng/lượng thời điểm đầu năm 2024, lên mức 82,5 triệu đồng/lượng vào ngày 12-3. Giá vàng tăng trong giai đoạn này, ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, còn do sức cầu trong nước tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán bấp bênh.
Giai đoạn hai, sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, nguồn cung vàng ra thị trường nhiều hơn, nhưng giá do doanh nghiệp trúng thầu quyết định, Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát được nguồn vàng trúng thầu đến tay người dân và không kiểm soát được giá cả. Vì vậy, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới không giảm, mà thậm chí có thời điểm còn nới rộng, lên đến 17-18 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, sức cầu vẫn cao và ảnh hưởng từ thị trường quốc tế khiến giá vàng có thời điểm tăng vọt lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (ngày 11-5).
Từ thực tế, chênh lệch giá vàng vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu vàng, thay vào đó, bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn, để các đơn vị này bán vàng trực tiếp cho người dân từ ngày 3-6. Với biện pháp này, giá vàng do Ngân hàng Nhà nước điều tiết, bám sát giá thế giới; đồng thời, nguồn cung vàng ra thị trường nhiều hơn nên cơ hội làm giá không còn. Nhu cầu thực về vàng của người dân đã giảm rõ rệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới giảm mạnh xuống chỉ còn 4-5 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm còn 1 triệu đồng/lượng.
Giải pháp trên của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là đã thành công. “Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp, giá vàng sát thực tế, phù hợp với giá quốc tế, thị trường hình thành mặt bằng giá ấn định. Với cách làm này, cơ quan quản lý kiểm soát được giá cũng như việc mua bán trên thị trường, vì thế không có cơ hội cho việc làm giá, tạo “sóng”. Trong tháng đầu tiên thực hiện biện pháp trên, nguồn vàng được tung ra thị trường khá lớn, khi hàng hóa nhiều, không còn quá khan hiếm thì thị trường dần ổn định”, ông Trần Duy Phương nói.
Giá vàng trong xu hướng đi lên
Tuy nhiên, khi thị trường ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ “trả lại” thị trường cho các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp thị trường khi có bất ổn, chẳng hạn như thời gian vừa qua. Giải pháp lâu dài là Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, để các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời người dân có nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế xem xét cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng. Khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước để quản lý. Hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp. Khi nguồn cung nguyên liệu tăng lên, có nhiều sự lựa chọn và không còn cơ chế độc quyền, giá vàng miếng SJC sẽ diễn biến theo giá vàng quốc tế.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường.
Trong những ngày qua, giá vàng thế giới có một số phiên giảm mạnh, xuống dưới mốc 2.400 USD/ounce. Giá kim loại quý trong nước cũng đi xuống, tuột khỏi mốc 79 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, dự báo về giá vàng từ nay đến cuối năm, một số chuyên gia cho rằng, giá kim loại quý sẽ diễn biến theo chiều hướng đi lên, trong xu hướng đó sẽ có thời điểm giá vàng giảm.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đưa quan điểm, mức cao nhất của giá vàng có thể đạt được là 2.600 USD/ounce. Lý do là bởi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất, khi đó, dòng tiền sẽ chảy vào hai kênh đầu tư chủ đạo là vàng và chứng khoán. Lãi suất giảm luôn là cơ hội để vàng tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn tại Trung Đông khiến nhà đầu tư sẽ chọn vàng nhằm bảo đảm tài sản, tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Thông thường, những năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, vàng luôn tăng giá. Giá vàng thế giới tăng, giá kim loại quý trong nước sẽ tăng theo. Giá vàng nhẫn tròn của các doanh nghiệp sẽ đạt mức 82 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC là 83-84 triệu đồng/lượng. Còn chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng có thể lên mức 2.500 USD/ounce bởi tâm lý kỳ vọng giá kim loại này tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất.
Về đầu tư, một số chuyên gia cho rằng, thông thường tháng 7 và tháng 8 hằng năm, giá vàng ở mức thấp, là thời điểm để đầu tư. Giá vàng thường tăng mạnh vào quý IV. Giữa vàng nhẫn và vàng miếng SJC, việc đầu tư vàng nhẫn của các doanh nghiệp có thuận lợi hơn bởi giá vàng nhẫn tăng - giảm theo giá thế giới, tỷ suất sinh lời cao hơn. Còn vàng miếng SJC hiện cao hơn giá thế giới khoảng 4-5 triệu đồng/lượng. Vì vậy, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng miếng SJC sẽ không tăng nhiều.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/den-het-nam-2024-gia-vang-se-dien-bien-ra-sao-674365.html